Skip to main content
×

GE.com has been updated to serve our three go-forward companies.

Please visit these standalone sites for more information

GE Aerospace | GE Vernova | GE HealthCare 

GE và những nỗ lực hướng tới một tương lai bền vững

November 05, 2021
header-image

Khoảng 20.000 người đã có mặt tại Glasgow (Scotland) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) diễn ra vào nửa đầu tháng 11 vừa qua. Tại hội nghị lần này, các bên đã thảo luận về những biện pháp để cắt giảm lượng khí thải carbon và giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá 1,5 độ C. Chủ tịch COP26 Alok Sharma cho biết: “Khi các quốc gia bắt đầu phục hồi sau đại dịch COVID-19, chúng ta phải tận dụng cơ hội lịch sử này để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, phải khôi phục xanh hơn và bền vững hơn”. Ông cũng nói thêm: “Việc cần làm là áp dụng những biện pháp phục hồi xanh trên toàn cầu để tạo ra nhiều việc làm tốt, thu hút hàng nghìn tỷ USD đầu tư cũng như công nghệ đột phá mới. Và chúng ta phải làm được”.

Nhân sự hiện diện của GE tại hội nghị COP năm nay, chúng tôi muốn điểm lại một số đóng góp của hãng nhằm hướng tới một tương lai bền vững hơn, hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng để giảm phát thải carbon và khử carbon trong ngành hàng không cùng với các ngành công nghiệp khác. Một phần không thể thiếu trong nỗ lực làm “xanh” trái đất của GE là truyền thống đổi mới sáng tạo không ngừng nghỉ.

Báo cáo Phát triển bền vững

Haliade-X blade

Một cánh quạt của tuabin gió Haliade-X dài hơn một sân bóng bầu dục. Ảnh: GE Renewable Energy.

Năm ngoái, GE cam kết sẽ trung hòa carbon trong các hoạt động vào năm 2030 và trong Báo cáo Phát triển bền vững công bố tháng 7/2021, công ty đặt tham vọng sẽ “không phát thải” vào năm 2050, bao gồm không phát thải khi sử dụng các sản phẩm của hãng. Truyền thống đổi mới sáng tạo của GE đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hiện lộ trình này. Các kỹ sư của GE luôn tìm ra những biện pháp mới giúp giải quyết các thách thức tiềm ẩn như chuyển đổi năng lượng để khắc phục biến đổi khí hậu, y học chính xác để cá nhân hóa khâu chẩn đoán và điều trị bệnh hay công nghệ hàng không thông minh và hiệu quả hơn. Song song với đó, GE cũng luôn nỗ lực để cải thiện chất lượng cuộc sống của mọi người trên thế giới.

Tham dự COP26 tại Glasgow, ông Roger Martella – Giám đốc phụ trách Phát triển bền vững của GE – hiểu rõ quy mô những vấn đề nói trên cũng như tiềm năng giải quyết vấn đề của GE. Trao đổi với GE Reports, ông cho biết điều quan trọng cần ghi nhớ là không có một giải pháp duy nhất cho tất cả vấn đề. Thay vào đó, cần phải tùy chỉnh giải pháp để phù hợp với các điều kiện kinh tế xã hội, chế độ chính trị và khu vực địa lý khác nhau. “Chúng tôi hiểu rằng kỳ vọng rất cao và chúng tôi bắt buộc phải thành công” – Martella nói. Quý độc giả có thể xem đầy đủ bài phỏng vấn của GE Reports với ông Martella tại đây.

Nhiên liệu hàng không bền vững

SAF Flight Test

Máy bay thử nghiệm của GE Aviation tại California (Mỹ) sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững. “Nhiên liệu bền vững không chỉ là một dự án nghiên cứu bên lề chúng tôi đang tiến hành mà nó chính là thực tại” – Kỹ sư Gurhan Andac của GE Aviation chia sẻ. Ảnh: GE Aviation.

Khi chuyển từ xăng dầu sang nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), ngành hàng không có thể giảm tới 80% lượng carbon phát thải trong toàn bộ vòng đời nhiên liệu, từ khâu sản xuất tới tiêu thụ. Gurhan Andac, trưởng nhóm kỹ sư về nhiên liệu và phụ gia hàng không của GE Aviation hiểu rõ điều này. Hiện nay, anh và các đồng nghiệp đang nghiên cứu các loại nhiên liệu sinh học và nhiên liệu tổng hợp cho động cơ máy bay. “Nhiên liệu bền vững không chỉ là một dự án nghiên cứu bên lề chúng tôi đang tiến hành mà nó chính là thực tại. Chúng ta đang thực hiện các chuyến bay bằng những hỗn hợp SAF” – Andac chia sẻ. Quý độc giả có thể xem thêm về câu chuyện của chúng tôi tại đây và tìm hiểu về chuyến bay Etihad được vận hành bằng hỗn hợp SAF tại đây.

Chương trình nghiên cứu động cơ cho tương lai

CFM RISE

Cấu trúc cánh quạt mở của CFM. Ảnh: CFM International.

Vào tháng 10, Tổ chức hoạt động vận tải hàng không (ATAG) tuyên bố cam kết của ngành hàng không hướng tới mục tiêu không phát thải vào năm 2050. Là một thành viên của tổ chức này, GE Aviation đã có sự chuẩn bị để có thể đạt được mục tiêu.

Cụ thể, trong năm 2020, GE Aviation đã đầu tư 1,8 tỷ USD vào nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực hàng không, bao gồm phát triển vật liệu và công nghệ tiên tiến mới có khả năng giúp cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và thậm chí tạo tiền đề cho những thiết kế điện lai. Tháng 6 vừa qua, CFM International – liên danh giữa GE và Safran Aircraft Engines – tuyên bố khởi động Chương trình “Cuộc cách mạng sáng chế động cơ bền vững” (RISE) để thử nghiệm công nghệ tiên tiến cho các thế hệ động cơ tiếp theo với mục tiêu tạo ra những động cơ tiết kiệm 20% nhiên liệu đồng thời thải ra ít hơn 20% khí CO2 so với dòng động cơ hiệu quả nhất hiện nay.

“Chương trình phát triển công nghệ này thể hiện cam kết chung của GE và Safran trong việc đạt được những mục tiêu đầy tham vọng cho một tương lai bền vững hơn” – Travis Harper, Giám đốc sản phẩm của GE trong Chương trình RISE cho biết. Quý độc giả có thể tìm hiểu chi tiết về tuyên bố tại đây Chương trình RISE tại đây.

Động cơ điện cho máy bay tương lai

electric motor propeller

Hệ thống máy phát điện/motor phân loại megawatt (MW) của GE cấp điện cho một cánh quạt có đường kính khoảng 3,3 m trên giá thử nghiệm. Ảnh: GE Aviation.

Chia sẻ sau chuyến thăm NASA vào tháng 9 vừa qua, ông John Slattery, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GE Aviation cho biết: “Không phát thải trong ngành hàng không là mục tiêu lớn mà chúng tôi đang hướng tới”. Hiện nay, các kỹ sư của GE và Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ đang hợp tác nghiên cứu biện pháp để thực hiện mục tiêu này. Cụ thể, gần đây NASA đã tài trợ cho GE 179 triệu USD để giúp phát triển công nghệ động cơ đẩy cho máy bay bằng điện. Xem thêm thông tin chi tiết tại đây.

Haliade-X – Người khổng lồ ngoài khơi

GE Haliade-X

Mỗi tuabin Haliade-X có thể giúp giảm lượng khí carbon phát thải tương đương với 11.000 phương tiện giao thông mỗi năm. Ảnh: GE Renewable Energy.

Tháng 11/2019, các kỹ sư của GE Renewable Energy lần đầu tiên thử nghiệm Haliade-X – mẫu tuabin gió mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ với công suất 12MW. Chưa đầy hai năm sau, nguyên mẫu này đã được tối ưu để vận hành tốt hơn và đạt công suất 14MW. GE Renewable Energy cho biết, tại mức công suất này, Haliade-X có thể đạt sản lượng điện hàng năm lên tới 74 GWh, giảm phát thải 52.000 tấn CO2 – tương đương với lượng khí thải của 11.000 phương tiện giao thông mỗi năm.

Tuabin điện gió nổi

ARPA-E Summit ATLANTIS

Hình ảnh trang trại điện gió nổi trên biển của một nghệ sĩ. Ảnh: Glosten.

Việc lắp đặt các tuabin gió trên đất liền và ở những vùng nước khá nông không còn là điều xa lạ, tuy nhiên, dựng tuabin ở những nơi thềm lục địa nhanh chóng sụt xuống như các khu vực thuộc Bờ Tây Hoa Kỳ lại là một câu chuyện khác. Một nhóm nghiên cứu tại GE Research đã phát triển ý tưởng tuabin gió nổi để biến điều này thành hiện thực. Khác với các mẫu tuabin gió ngoài khơi được neo cố định ở những vùng nước sâu dưới 60m, tuabin nổi được neo an toàn vào đáy biển thông qua những “sợi gân cơ động” cho phép duy trì tuabin ổn định trong vùng biển có sóng lớn và giảm độ lớn của tổng tải trọng cơ khí.

Hợp tác cùng công ty thiết kế hàng hải Glosten, đội ngũ kỹ sư của GE đang nghiên cứu xây dựng một phiên bản nổi của mẫu Haliade-X 12MW. Phiên bản nổi dự kiến có thiết kế cao 260m, đường kính trục quay rotor 220m và sản lượng điện hàng năm đạt 67 GWh – đủ sức cấp điện cho 16.000 hộ gia đình tại Mỹ. Các kỹ sư cũng sẽ nghiên cứu thêm hệ thống điều khiển cao cấp cho phép lắp đặt tuabin tại những vùng nước sâu ven biển. Dự án này được hợp tác thông qua chương trình của Cơ quan Nghiên cứu Năng lượng tiên tiến (ARPA-E). Xem thông tin chi tiết tại đây.

Ứng dụng hiện tượng siêu dẫn vào điện gió

MRI Thomas

Hệ thống máy chụp MRI 3 Tesla được lắp đặt trong phòng thí nghiệm MRI chuyên dụng của GE Research tại Niskayuna, New York, Mỹ. Ảnh: GE Research.

Một phát hiện trong mùa đông lạnh giá hơn 100 năm trước đang hâm nóng lại nghiên cứu tuabin gió của GE. Năm 1911, nhà vật lý người Hà Lan Heike Kamerlingh Onnes phát hiện ra rằng dù các electron thường gặp điện trở khi di chuyển xung quanh dây dẫn điện nhưng khi di chuyển qua một sợi thuỷ ngân được làm lạnh về gần nhiệt độ không tuyệt đối – nhiệt độ thấp nhất có thể, tương đương với -273,15 độ C – thì electron không gặp điện trở. Hiện tượng này được gọi là siêu dẫn và đã có nhiều ứng dụng quan trọng như tăng tốc chip máy tính, tiền đề cho sự ra đời của công nghệ chụp cộng hưởng từ MRI và nhiều ứng dụng khác. Giờ đây, siêu dẫn có thể đang đặt nền móng để tạo ra máy phát điện hiệu quả hơn cho các tuabin gió ngoài khơi siêu khoẻ.

Nhận hợp đồng trị giá 20,3 triệu USD từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu của GE đang nỗ lực tìm biện pháp để máy phát điện siêu dẫn có thể giúp giảm chi phí điện gió, đơn giản hóa chuỗi cung ứng và sản xuất tuabin đồng thời hỗ trợ mục tiêu của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (DOE) là tăng gấp 3 tỷ trọng điện gió tại Mỹ lên 20% trong thập kỷ tới. Xem thông tin chi tiết tại đây.

Tăng cường sử dụng hydro xanh

NYPA Brentwood Oct 2021

Cục Điện lực New York cắt băng khánh thành tại Nhà máy điện Brentwood trên đảo Long Island. Ảnh: GE Gas Power.

Đầu tháng Bảy, New York quyết định đưa khí hydro xanh vào danh mục các giải pháp năng lượng bền vững của bang. GE sẽ đồng hành với họ trong dự án này. Mùa thu này, nhà máy điện Brentwood trên đảo Long Island khởi động một dự án mô phỏng để thử nghiệm tính khả thi khi vận hành bằng hỗn hợp khí tự nhiên và khí hydro xanh – hỗn hợp nhiên liệu không phát thải carbon khi đốt. Nguyên nhân là hydro xanh sử dụng điện tái tạo để phân tách phân tử nước và tạo ra oxy và hydro, do đó không thải ra carbon.

GE Gas Power – đơn vị cung ứng tuabin cho nhà máy này sẽ tiếp tục cung cấp công nghệ trộn hỗn hợp nhiên liệu đồng thời giúp thực hiện dự án Brentwood. Là công ty đầu ngành trong việc sử dụng khí hydro xanh, tuabin của GE đã cán mốc hơn 6 triệu giờ vận hành bằng các hỗn hợp khí này. Những nhà máy điện sắp đi vào hoạt động tại Ohio (Mỹ) và Australia cũng sẽ vận hành bằng hỗn hợp khí hydro xanh và khí tự nhiên. Chỉ tính đến cuối những năm 2020, sử dụng hydro xanh có thể giúp loại bỏ hàng triệu tấn CO2 trong bầu khí quyển.

Hạn chế sử dụng SF6

g3 GE

Trong nhiều thập kỷ qua, các trạm biến áp cao thế lệ thuộc nhiều vào SF6, một chất cách điện phổ biến đồng thời là một trong những khí nhà kính mạnh nhất thế giới. Khí cách điện g3 nhằm thay thế SF6 có thể giảm 99% nguy cơ gây hiện tượng nóng lên toàn cầu so với SF6. Ảnh: GE.

Quá trình chuyển đổi năng lượng hướng tới một tương lai ít phát thải hơn cần sự đóng góp của nhiều bên. Ví dụ cần có thêm các trang trại điện gió, điện mặt trời, nhà máy thuỷ điện và những nguồn năng lượng tái tạo khác. Đồng thời, chúng ta cũng cần xây dựng cơ sở hạ tầng truyền tải điện với ít tác động môi trường hơn.

Lấy ví dụ trạm biến áp cao thế. Những hệ thống này có chức năng điều chỉnh điện áp để truyền tải điện đi xa, từ nhà máy điện đến các hộ gia đình và doanh nghiệp. Để làm được điều đó, trong hàng thập kỷ qua, các công ty điện lực đã sử dụng một chất cách điện hiệu quả cao có tên gọi là sulfur hexafluoride (SF6). Tuy nhiên, đây lại là một trong những loại khí nhà kính mạnh nhất thế giới và có thể tồn tại trong bầu khí quyển trong nhiều thiên niên kỷ.

Vài năm trước, GE Renewable Energy đã hợp tác cùng 3M và phát triển một chất cách điện “xanh hơn” để thay thế cho SF6. Loại khí cách điện có tên g³ này có đầy đủ tính năng cách điện của SF6 đồng thời giảm 99% nguy cơ gây hiện tượng nóng lên toàn cầu so với SF6. Bên cạnh đó, sử dụng g³ cũng cho phép trạm biến áp duy trì kích thước nhỏ gọn như hiện tại. Trong tuần qua, GE Renewable Energy đã nhận được khoản tài trợ trị giá 3,7 triệu USD từ Cơ quan Nghiên cứu Năng lượng tiên tiến (ARPA-E) cho hai dự án liên quan để giúp tăng tốc quá trình khử carbon hệ thống lưới điện Hoa Kỳ. Xem thông tin chi tiết tại đây.

Trang bị hiện đại cho hệ thống lưới điện

Mississippi grid

“Khi có nhiều nguồn năng lượng tái tạo, bạn dễ bị mất điện hơn” – Ibrahima Ndiaye, một kỹ sư tại GE Research chia sẻ. “Đó là lý do chúng ta cần những hệ thống điều khiển nhanh hơn và các thiết bị linh hoạt hơn để vận hành lưới điện”. Ảnh: GE Research.

“Lưới điện là hệ thống công nghiệp lớn nhất nhân loại từng xây dựng” – Vera Silva, Giám đốc Công nghệ mảng Giải pháp Lưới điện của GE Renewable Energy nói. Theo bà, hệ thống lưới điện hiện đại phải “tạo điều kiện kết nối lưới” cho tất cả nguồn điện hiện có đồng thời đảm bảo “hoạt động như đồng hồ Thuỵ Sĩ”.

Trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết bất thường có thể làm tê liệt một số bộ phận của mạng lưới, việc duy trì lưới điện cân bằng và hoạt động ổn định có ý nghĩa rất quan trọng. Hiện nay, các kỹ sư GE và Prolec GE đang nỗ lực để giúp công việc của những công ty điện lực và đơn vị vận hành lưới điện trở nên dễ dàng hơn. Cụ thể, họ đang phát triển một loại “máy biến áp linh hoạt” có khả năng giúp bảo vệ lưới điện trong những tình huống như lỗi đường dây truyền tải hoặc thời tiết cực đoan, giúp ngăn chặn tình trạng mất điện nghiêm trọng và phục hồi lưới điện nhanh hơn khi xảy ra sự cố, đồng thời cho phép thêm nhiều nguồn điện tái tạo kết nối lưới. Không chỉ như vậy, loại máy biến áp mới còn có thể góp phần giảm giá thành và chi phí xây dựng cũng như bảo dưỡng hệ thống lưới điện hiện đại. Xem thông tin chi tiết tại đây.

Tái chế cánh quạt tuabin gió

GE rehborn

GE Renewable Energy đã ký kết thỏa thuận sơ bộ với các công ty Đức, Pháp và Thuỵ Sĩ để tháo dỡ, nghiền nhỏ và xử lý cánh quạt của những tuabin gió trên bờ sắp hết thời hạn sử dụng. Ảnh: GE Renewable Energy.

Điện gió là nguồn năng lượng tái tạo có tốc độ phát triển nhanh nhất và các công ty trong ngành cũng đang nỗ lực không kém để giảm lượng phát thải carbon. Một trong những biện pháp là giảm phát thải trong toàn bộ vòng đời của tuabin gió, từ khâu tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô cho đến sản xuất và vận chuyển. Điển hình là các thoả thuận sơ bộ ký kết giữa GE Renewable Energy và các công ty Đức, Pháp và Thuỵ Sĩ về việc tháo dỡ, nghiền nhỏ và xử lý cánh quạt của những tuabin gió trên bờ sắp hết thời hạn sử dụng.

Thỏa thuận này nối tiếp hợp đồng bước ngoặt giữa GE và Veolia North America (VNA) về tái chế cánh quạt từ các tuabin trên bờ tại Mỹ. Giống với Mỹ, các đối tác châu Âu sẽ tái chế sợi thuỷ tinh và chất đệm từ cánh quạt cũ để làm nguyên liệu thô trong sản xuất xi măng, đồng thời sử dụng vật liệu hữu cơ của cánh quạt làm nhiên liệu cho chính quá trình sản xuất này.

Các công ty sản xuất xi măng tại châu Âu đặt mục tiêu không phát thải vào năm 2050. Theo GE, sản xuất xi măng theo cách này có thể giảm 20% khí CO2 so với thông thường. Ông Jérôme Pécresse, Giám đốc điều hành GE Renewable Energy, đánh giá thỏa thuận này là “một bước tiến thú vị tiếp theo trong hành trình giới thiệu những cải tiến vòng đời tuần hoàn cho ngành điện gió tại châu Âu”. Xem thông tin chi tiết tại đây.

Tối ưu vận hành trang trại điện gió

GE Wind Final

Lawrence Cheung – trưởng nhóm kỹ sư cơ khí tại GE Research là chuyên gia khai thác khả năng tính toán của các siêu máy tính hiện đại để tạo ra những mô hình chi tiết về cách gió di chuyển trong đời thực nhằm tận dụng tối đa năng lượng gió. Ảnh: GE Research.

Lawrence Cheung đã sử dụng siêu máy tính để tìm hiểu rõ hơn về cách trang trại điện gió sử dụng gió và tác động đến các luồng gió. Những kiến thức như vậy ngày càng có giá trị đối với các quốc gia và công ty sản xuất điện trong hành trình tìm kiếm kế hoạch sắp xếp tối ưu cho các nguồn năng lượng tái tạo.

Nghiên cứu mới nhất của Cheung có thể lập mô hình luồng không khí đi qua trang trại điện gió trải rộng trên diện tích hơn 20 km2, tương đương hơn 3.780 sân bóng. Với tên gọi Mô phỏng động lực học chất lỏng tính toán (CFD), mô hình siêu máy tính này chia nhỏ trang trại điện gió thành hàng trăm triệu đơn vị m3 để nghiên cứu riêng lẻ. Mục tiêu của nhóm không phải là loại bỏ những vấn đề liên quan đến hiệu ứng wake (hiệu ứng chắn gió) mà để tìm hiểu chính xác tác động của lưu khối không khí sau khi di chuyển qua một tuabin trong các cấu hình trang trại gió khác nhau. Bằng cách này, nhà đầu tư trang trại điện gió có thể tính toán rõ thiệt hơn giữa việc dựng nhiều tuabin và phải thực hiện các biện pháp để giảm thiểu hiệu ứng wake hoặc dựng ít tuabin hơn và nới rộng khoảng cách giữa các tuabin. Xem thông tin chi tiết tại đây.

Mô phỏng luồng nhiệt hỗn loạn trên siêu máy tính

The Heat Is On

Mô phỏng có độ trung thực cao để dự đoán nhiệt độ tuabin và các trường dòng chảy do siêu máy tính tạo ra. Ảnh: GE Research.

Có một sự thật thú vị là tuabin của các động cơ trong đó có động cơ máy bay có thể hoạt động ở nhiệt độ cao hơn cả nhiệt độ nóng chảy của các chi tiết tuabin mà không làm nóng chảy những chi tiết đó. Với đa số mọi người, điều này có thể rất vô lý nhưng với các kỹ sư GE Research nghiên cứu chuyên sâu về cách thức truyền nhiệt trong tuabin, đây là công việc hàng ngày của họ.

Cách thức truyền nhiệt trong tuabin không chỉ tác động đến động cơ mà còn ảnh hưởng lớn hơn thế. Tuabin có vai trò trung tâm trong động cơ máy bay, đồng thời cũng là bộ phận tạo ra điện, do đó ngay cả những chỉnh sửa nhỏ trong thiết kế có thể giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và hiệu suất. Một phần của công việc chỉnh sửa này liên quan đến chạy các mô phỏng máy tính. Kỹ sư tại GE Research Rick Arthur nói: “Tương tự như cách nhà sinh vật học sử dụng kính hiển vi hay nhà thiên văn học sử dụng kính thiên văn, những mô phỏng có độ trung thực cao cho phép các nhà nghiên cứu nhìn thấy những điều họ không thể làm được ngoài thực tế”. Và những mô phỏng sắp tới sẽ còn thực tế hơn nữa vì GE Research đã được cho phép sử dụng Summit – một trong những siêu máy tính nhanh nhất thế giới đặt tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge, Tennessee, Mỹ. Với tốc độ xử lý dữ liệu cực kỳ nhanh, siêu máy tính sẽ cho phép các nhà nghiên cứu tạo ra những mô phỏng chân thực hơn về các luồng nhiệt hỗn loạn di chuyển qua động cơ so với những mô phỏng cũ trên máy tính trước đó. Xem thông tin chi tiết tại đây.

Thuỷ điện tích năng chi phí thấp tại Áo

Tauernmoossee pumped hydro

Tauernmoos – nhà máy điện công suất 170 MW của Áo dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2025 sẽ tối ưu nguồn điện dư thừa chi phí thấp từ lưới điện quốc gia để bơm nước lên núi và trữ trong hồ thuỷ điện. Khi cần sản xuất điện, họ sẽ xả hồ để nước chảy xuống tuabin. Ảnh: ÖBB.

Từ lâu, Áo đã tiên phong trong lĩnh vực thuỷ điện và quá trình chuyển đổi năng lượng của quốc gia này đang diễn ra một cách đáng kinh ngạc cũng nhờ vào thuỷ điện. ÖBB, công ty đường sắt Áo đang nâng hệ thống điện khí hoá đường sắt của nước này lên một tầm cao mới bằng cách bổ sung hệ thống bơm tích năng nhiều tốc độ vào tổ hợp năng lượng của mình và đặc biệt xây dựng một hệ thống lưu trữ khổng lồ trên núi. Dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2025, nhà máy điện Tauernmoos công suất 170 MW của ÖBB sẽ có hai chế độ hoạt động. Ở chế độ bơm, nó sẽ tận dụng nguồn điện dư thừa từ lưới điện quốc gia để bơm nước lên cao 260m và dự trữ trong một hồ thuỷ điện. Khi hoạt động ở chế độ tuabin, nước sẽ chảy vào tuabin để sản xuất điện. Tiếp đó, nhà máy có thể phân phối điện lên lưới điện quốc gia để lấp khoảng trống của các nguồn năng lượng tái tạo khác.

Tauernmoos không đơn thuần chỉ là một nguồn cung năng lượng tái tạo theo yêu cầu cho hệ thống đường sắt của Áo. Trên thực tế, phương pháp thuỷ điện tích năng đồng thời cũng củng cố thêm mục tiêu sản xuất 100% điện dựa trên các nguồn tái tạo của quốc gia châu Âu này. Đây cũng là nhà máy đầu tiên trên thế giới áp dụng hệ thống bơm tích năng nhiều tốc độ. GE Renewable Energy – đơn vị sản xuất hệ thống bơm này – không chỉ thiết kế, xây dựng và lắp đặt hai tổ máy tuabin thuỷ điện và máy bơm (mỗi tổ máy có công suất 85 MW) mà còn chịu trách nhiệm tích hợp các máy biến áp và bộ biến tần giúp đảm bảo công tác truyền tải điện thông suốt, linh hoạt và đồng bộ giữa nhà máy, mạng lưới và lưới điện. Xem thông tin chi tiết tại đây.

Lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ (SMR)

Small modular reactor

Một cơ sở sử dụng lò phản ứng BWRX-300 của GE Hitachi. Ảnh: GE Hitachi.

GE Hitachi Nuclear Energy ở Wilmington, North Carolin, Mỹ đang phát triển một thế hệ lò phản ứng hạt nhân mới có tên lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ (small modular reactor – SMR). SMR sản xuất ra điện và không phát thải khí carbon, hứa hẹn sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái năng lượng của tương lai. Khi các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời tạm nghỉ, SMR sẽ thế chỗ và tạo ra nhiều điện hơn để lấp chỗ trống.

Canada đặt mục tiêu trở thành quốc gia đi đầu thế giới về công nghệ này. Vào tháng Chín, một biên bản ghi nhớ giữa GE Hitachi Nuclear Energy – đơn vị phát triển công nghệ SMR và các đối tác Ba Lan và Canada đã mở đường cho hai quốc gia này hợp tác trong chuỗi cung ứng nhiên liệu cho các lò phản ứng tại Ba Lan. Xem thông tin chi tiết tại đây.