Đại dịch Covid-19 đã giáng một đòn mạnh vào ngành hàng không thế giới. Các sân bay vắng vẻ, hàng loạt chuyến bay bị hủy và tình hình tài chính sụt giảm nghiêm trọng đã ảnh hưởng đến tất cả các hãng hàng không. Song, chính giai đoạn hỗn loạn và thử thách này là lúc các doanh nghiệp khám phá ra những cách thức vận hành mới. Đại dịch toàn cầu có thể là cơ hội để chuyển đổi và đẩy nhanh việc ứng dụng dữ liệu và các hệ thống kỹ thuật số trong ngành hàng không.
GE Aviation đã đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích dữ liệu chuyến bay trong một thời gian dài. Hầu hết các máy bay thương mại hiện nay đã được trang bị cảm biến để thu thập dữ liệu về hoạt động của động cơ, nhiệt độ, vị trí của máy bay và hàng trăm biến số khác theo từng mili giây. Các hãng hàng không sử dụng những dữ liệu này theo nhiều cách, từ việc giám sát các chuyến bay để đảm bảo an toàn cho đến theo dõi mức độ tiêu thụ nhiên liệu trên các tàu bay.
Tuy nhiên, đó chỉ là sự khởi đầu. Ông Andrew Coleman, Giám đốc Thương mại của Bộ phận kỹ thuật số thuộc GE Aviation (GEAD) cho biết, các hãng hàng không “đang sở hữu một tài sản vô cùng quý giá nhưng chưa được khai thác hết, đó là dữ liệu của họ. Chúng tôi nghĩ điều này sẽ sẽ sớm thay đổi. Các dữ liệu sau khi thu thập sẽ giúp họ đưa ra những quyết định đúng đắn và hiệu quả hơn.”
Bộ phận của ông Coleman đã phát triển phần mềm EMS (Event Measurement System) có khả năng thu thập thông tin và tìm kiếm các chi tiết trong hoạt động của máy bay mà các kỹ thuật và phương pháp tiếp cận trước đây có thể đã bỏ qua. “Không có hai chiếc máy bay nào giống hệt nhau dù chúng cùng chung nhãn hiệu và số hiệu”, ông Coleman chia sẻ. “Bằng cách nhìn vào hiệu suất thực tế trong một quãng thời gian, chúng tôi có thể đưa cho khách hàng những lời khuyên tốt nhất”.

Hình trên cùng và trên: EMS (Event Measurement System) là một phần mềm được phát triển bởi công ty của ông Coleman với mục tiêu thu thập thông tin và tìm kiếm các chi tiết trong hoạt động mà các kỹ thuật và phương pháp tiếp cận trước đây rất có thể đã bỏ qua. “Không có hai chiếc máy bay nào giống hệt nhau dù chúng cùng chung nhãn hiệu và số hiệu”, ông Coleman chia sẻ. “Bằng cách nhìn vào hiệu suất thực tế trong một khoảng thời gian, chúng tôi có thể đưa cho khách hàng những lời khuyên tốt nhất”. Nguồn: GE Aviation.
Trong khoảng thời gian khó khăn của đại dịch COVID-19, những phân tích này có thể giúp các hãng hàng không đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Theo ông Coleman, quyết định ngừng sử dụng một chiếc máy bay không phải là việc đơn giản và tìm ra cách thực hiện điều ấy một cách tối ưu lại càng khó. Một đội bay điển hình bao gồm nhiều máy bay khác nhau về tuổi đời, kích thước, cấu hình động cơ và thậm chí cả các hạng mục trong cabin như sơ đồ bố trí chỗ ngồi. Liệu có hợp lý nếu ngừng sử dụng một chiếc máy bay cũ, không tiết kiệm nhiên liệu nhưng từ trước đến nay vẫn chạy tốt? EMS có thể giúp tìm ra câu trả lời.
Để có thể sử dụng các dữ liệu đó, GE Aviation đang cung cấp miễn phí bảng điều khiển nhiên liệu kỹ thuật số mới, được kích hoạt bởi Microsoft Azure, cho các hãng hàng không đang sử dụng phần mềm EMS. Nó có thể giúp các hãng hàng không đưa ra quyết định tốt hơn trong một số vấn đề thiết yếu như tiết kiệm nhiên liệu và đỗ máy bay. Thông tin chuyên sâu không chỉ giúp họ quản lý tốt hơn trong giai đoạn suy thoái mà còn có thể phát triển nhanh chóng hơn khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục.
Các nhà khoa học chuyên về dữ liệu của GE Aviation đã tạo ra một phương pháp mới để nghiên cứu các xu hướng ảnh hưởng đến mức tiêu thụ nhiên liệu. Họ sử dụng cùng một bộ dữ liệu đã được xử lý bởi EMS kết hợp cùng thuật toán phân tích dữ liệu chuyến bay thực tế. Qua đó, các nhà khoa học có thể biết được quy trình tiết kiệm nhiên liệu nào đang áp dụng và nghiên cứu xu hướng di chuyển trên không trung và tại các sân bay. Các hãng hàng không có thể sử dụng những thông tin này để lập kế hoạch bay và xem xét cơ hội giảm chi phí nhiên liệu và lượng khí thải carbon.
Bên cạnh đó, phần mềm của GE Aviation có thể giúp các hãng hàng không giải đáp được một số vấn đề hóc búa trong quá trình trở lại hoạt động sau dịch, như xu hướng đang diễn ra tại châu Á. Ví dụ, theo thông tin từ Flighradar24, các hãng hàng không tại Trung Quốc đã tăng gấp đôi số lượng các chuyến bay nội địa kể từ tháng 2, khi phần lớn ngành vận tải của đất nước đã bị tạm ngưng, đến cuối tháng 3. Thông thường, các doanh nghiệp muốn các máy bay kín chỗ nhưng do phải giãn cách xã hội, hãng hàng không Trung Quốc lại phải giới hạn số lượng hành khách. Điều này tạo ra một vấn đề chưa từng gặp phải trước đây: làm thế nào để sắp xếp các chuyến bay theo nhu cầu nhưng vẫn phải có lợi nhuận với một nửa số ghế trống?
GE đã điều chỉnh phần mềm mà các hãng hàng không thường sử dụng để phục hồi sau các sự cố dịch vụ như dừng bay để bảo trì hoặc sắp xếp lại chuyến bay và tổ bay do thời tiết xấu. Theo đó, phần mềm sẽ tìm cách để điều chỉnh các chỉ số tùy theo số lượng ghế ngồi hạn chế, ông Sean Moser, Giám đốc sản phẩm của GEAD cho biết.

GE Aviation đang cung cấp miễn phí một bảng điều khiển nhiên liệu kỹ thuật số mới, được kích hoạt bởi Microsoft Azure, cho các hãng hàng không đang sử dụng phần mềm EMS. Nó có thể giúp các hãng hàng không đưa ra quyết định tốt hơn trong một số vấn đề thiết yếu như tiết kiệm nhiên liệu và đỗ máy bay. Thông tin chuyên sâu không chỉ giúp họ quản lý tốt hơn trong giai đoạn suy thoái mà còn có thể phát triển nhanh chóng hơn khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục. Nguồn hình: GE Aviation.
Trong giai đoạn phục hồi, việc quản lý chi phí là một trong những ưu tiên hàng đầu của các hãng hàng không. Mặc dù giá dầu ở mức thấp nhất trong gần hai thập kỷ, chi phí nhiên liệu cho một số hãng hàng không vẫn có thể lên tới hàng tỷ đô la một năm. Ông Coleman chia sẻ rằng chỉ cần cắt giảm 1%, các hãng hàng không đã tiết kiệm được hàng triệu đô la, đồng thời, hạn chế được lượng lớn khí thải ra môi trường. Phần mềm giám sát nhiên liệu cũng sẽ giúp các hãng hàng không kiểm soát và tối ưu việc tiêu thụ theo nhiều cách, ví dụ như đề xuất các đường bay hiệu quả hơn.
Ông Coleman cho biết, vài năm trước, hãng hàng không giá rẻ của Malaysia – AirAsia đã yêu cầu các phi công di chuyển máy bay trong sân bay chỉ với một động cơ để tiết kiệm nhiên liệu. Chính bảng điều khiển nhiên liệu đã củng cố giá trị hiệu quả của việc di chuyển máy bay với một động cơ. Sau đó, thông tin này được chia sẻ với các phi công thông qua một ứng dụng khác của GE. Nhờ vậy mà phương pháp này được áp dụng rộng rãi hơn.
Trong khi tại châu Á, quy định về di chuyển đang được nới lỏng và cuộc sống đang trở lại bình thường thì tại Mỹ, nhiều hãng hàng không vẫn đang nằm im chờ đợi. Điều này khiến một số hãng phải rao bán máy bay. Ông John Mansfield, Giám đốc kỹ thuật số của GE Aviation cho biết, “những tài sản đó sẽ đến một nơi khác.”
Khoảng một nửa số máy bay thương mại trên thế giới đang được các hãng hàng không thuê lại. Nếu muốn chuyển chúng cho một hãng khác, chủ sở hữu của những máy bay này phải chuẩn bị một loạt giấy tờ, bao gồm cả các bản ghi nhật ký bảo trì, đôi khi cần được xem xét một cách thủ công và số hoá. Ông Mansfield cho biết rằng gói phần mềm chuyên về hệ thống chuyển giao tài sản của GE sẽ cho phép bên cho thuê số hóa quá trình kiểm tra nhật ký vận hành và bảo trì máy bay. Nhờ vậy, họ sẽ rút ngắn thời gian được chứng nhận và chuyển giao tài sản.
Kết hợp lại, các giải pháp từ phần mềm là công cụ giúp các hãng hàng vượt qua giai đoạn khó khăn. Về lâu dài, ông Mansfield thấy rằng dữ liệu sẽ định hình lại các nguyên tắc cơ bản của ngành hàng không.
“Chúng ta sẽ có thể dự đoán trước khi nào cần bảo trì”, ông nói. “Trong tương lai, điều quyết định thời điểm thay dầu là bạn vận hành thế nào” chứ không phải bay được bao lâu hay bao xa kể từ lần thay dầu cuối cùng.
Ông Mansfield khẳng định: “Ngành hàng không sẽ chứng kiến sự thay đổi từ những điều cơ bản nhất.”