Skip to main content
×

GE.com has been updated to serve our three go-forward companies.

Please visit these standalone sites for more information

GE Aerospace | GE Vernova | GE HealthCare 

header-image

Tổng hợp điểm tin công nghệ tháng 9

September 23, 2020

Robot thu hoạch dừa như thợ lành nghề

Thu hoạch dừa là một công việc nguy hiểm, đòi hỏi những người thợ lành nghề phải trèo lên độ cao 15 mét so với mặt đất để hái quả. Vì vậy, không có nhiều người làm công việc này.

Các kỹ sư của Đại học Amrita Vishwa Vidyapeetham ở Nam Ấn đã chế tạo ra một robot có thể trèo cây dừa và hái quả.

Rajesh Kannan Megalingam, trợ lý giáo sư tại Đại học, chia sẻ với IEEE Spectrum: “Mục đích cuối cùng của chúng tôi là thương mại hóa sản phẩm này và giúp đỡ những người nông dân trồng dừa. Ở bang Kerala, chỉ có 7.000 người thu hoạch dừa được đào tạo trong khi người ta cần 50.000 người. Ở các bang khác của Ấn Độ như Tamil Nadu, Andhra, và Karnataka, nơi dừa được trồng trên quy mô lớn, tình trạng thiếu nhân công cũng diễn ra tương tự”.

Robot được đặt tên là Amaran, có khả năng leo cây và thu hoạch dừa như một thợ có 50 năm kinh nghiệm. Nó có dạng ôm tròn quanh thân dừa và một bộ bánh xe cho phép di chuyển lên xuống cây dễ dàng và một cánh tay robot để cắt chùm dừa – tất cả đều được điều khiển từ dưới mặt đất. So với thợ thông thường, Amaran di chuyển chậm hơn nhưng có sức bền tốt hơn: Trong khi con người chỉ leo trung bình khoảng 15 cây/ngày đã thấm mệt thì Amaran có thể leo đến 22 cây/ngày.

Khôi phục thị lực bằng liệu pháp gen

Bác sĩ người Hungary Botond Roska, nhà sáng lập của Viện Nhãn khoa Phân tử và Lâm sàng tại Đại học Basel, vừa được trao giải thưởng Khoa học Châu Âu Körber danh giá nhờ nghiên cứu của ông trong việc sử dụng liệu pháp gen để khôi phục thị lực cho người mất thị lực.

Khoảng một phần ba số người trên 65 tuổi gặp phải một số dạng mất thị lực và khi con người già đi, các bệnh này càng trở nên phổ biến hơn. Hầu hết các bệnh về mắt là do di truyền hoặc do các khuyết tật liên quan đến tuổi tác nằm ở võng mạc. Roska bắt đầu thử nghiệm lâm sàng phương pháp mới nhằm khôi phục chức năng của các tế bào thụ cảm ánh sáng cần thiết cho thị lực trên những bệnh nhân.

Roska và các đồng nghiệp đã lập danh mục khoảng 100 loại tế bào được tìm thấy trong võng mạc để phân tích cách mắt xử lý các tín hiệu thị giác, sau đó bắt đầu theo dõi các bệnh lý võng mạc cụ thể liên quan đến các khiếm khuyết di truyền trong tế bào riêng lẻ. Quỹ Körber ca ngợi “công trình mang tính đột phá thực sự” của Roska: “Roska đã tái lập trình một tế bào trong mắt người, cho phép nó thực hiện thay chức năng của các tế bào thụ cảm ánh sáng bị lỗi. Từ đó, võng mạc ở mắt người mất thị lực đã được khôi phục độ nhạy sáng”.

Sự sống trên sao Kim

Mới đây, các nhà khoa học tại Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Cardiff và một số tổ chức khác đã tìm thấy những dấu hiệu đáng kinh ngạc về sự sống trên Sao Kim, hành tinh láng giềng với Trái đất của chúng ta và gần Mặt trời hơn so với sao Hỏa.

Theo đó, họ phát hiện ra một chất hóa học đặc biệt nằm trong chất khí của đám mây của sao Kim, hé lộ quá khứ của hành tinh này. Sao Kim là một nơi không mấy dễ chịu để tồn tại với nhiệt độ bề mặt lên tới 900 độ F và bầu khí quyển chứa đầy axit sulfuric. Clara Sousa-Silva đến từ MIT cho biết: “Sao Kim được cho là từng có đại dương và có thể có sự sống giống như Trái đất. Khi điều kiện ở hành tinh này trở nên khắc nghiệt hơn, các dạng sống sẽ phải thích nghi, và giờ đây chúng có thể tồn tại trong lớp khí quyển hẹp ở đó”.

Chất hóa học mà các nhà thiên văn học vừa tìm được có tên gọi là phosphine. Về lý thuyết, khi xuất hiện trên một hành tinh khô cạn gồ ghề đất đá như sao Kim, nó chỉ có thể đến từ các sinh vật sống.

Xét nghiệm không đau

Các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học Công nghiệp của Đại học Tokyo đã thiết kế ra một miếng dán chứa gai siêu nhỏ (microneedles) có thể phân hủy sinh học và không gây đau đớn khi gắn lên da. Miếng dán này hứa hẹn mang đến nhiều ích lợi cho việc tự theo dõi y tế hằng ngày và chẩn đoán tại nhà một số bệnh, ví dụ như tiền tiểu đường, thậm chí là giúp phát hiện hầu hết các dấu ấn sinh học mà các xét nghiệm máu thông thường chưa tìm được.

 

Các gai siêu nhỏ trên miếng dán rất ngắn nên khi dán lên da, chúng không chạm vào bất kỳ tế bào thần kinh nào và không hút máu. Chúng chỉ hút chất lỏng từ da lên một cảm biến giấy, cảm biến này sẽ thay đổi màu sắc tùy theo bề mặt mà miếng dán được dán lên để đo lường. khi phản ứng lại với bất kỳ miếng dán đã được thiết kế để đo lường nào. Sau khi nắm được cách làm cho công nghệ microneedle hoạt động với các cảm biến giấy, Lee và các đồng nghiệp dự định sẽ thử nghiệm trên con người.

Bay như chim

Photo

Image credit: Airbus

Hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus có một ý tưởng về cách giảm lượng khí thải cho các chuyến bay mang tên Fello’fly. Ý tưởng này được lấy cảm hứng từ các đặc điểm sinh học của loài chim.

Theo Airbus, các chuyến bay thử nghiệm ban đầu cho thấy mức nhiên liệu tiết kiệm được dao động từ 5% đến 10% cho mỗi chuyến đi, nhờ đó hãng có thể giảm lượng khí thải CO2 từ 3 đến 4 triệu tấn mỗi năm đối với các chuyến bay sử dụng máy bay thân rộng.

Trong tự nhiên, chim bay theo chữ V để giảm mức tiêu thụ năng lượng tổng thể của chúng bởi mỗi con trong đàn được tiếp sức bởi lực đệm do những con phía trước tạo ra. Với Fello’fly, các máy bay chỉ cách nhau gần 2,8 km về theo phương nằm ngang, chếch lên hơn 304 m theo phương thẳng đứng. Khoảng cách này vừa đủ an toàn, cho phép các máy bay bay sau tiết kiệm nhiên liệu giống như cách đàn chim tiết kiệm sức. Tất nhiên, điều này đòi hỏi cần có các quy trình bay mới, đào tạo phi công và nhiều bước khác. Airbus đã hợp tác với các đối tác trong ngành để nghiên cứu và hãng hy vọng có thể bắt đầu bay thử theo phương thức mới vào năm 2021.