Skip to main content
×

GE.com has been updated to serve our three go-forward companies.

Please visit these standalone sites for more information

GE Aerospace | GE Vernova | GE HealthCare 

Thực tập sinh của GE thi đấu tại Thế vận hội Paralympic

August 04, 2021
header-image

Mới 20 tuổi, Ahalya Lettenberger đã có một bản lý lịch ấn tượng. Cô đang học ngành kỹ thuật y sinh (theo chương trình dự bị y khoa) tại Đại học Rice, đồng thời tham gia thi đấu trong đội tuyển bơi của trường. Mùa hè này, Lettenberger còn thực tập tại GE Healthcare thông qua Chương trình Phát triển Kỹ thuật Edison. Cô gái trẻ đang tham gia dự án cải tiến máy thở - thiết bị duy trì sự sống vô cùng cần thiết trong điều trị những ca bệnh COVID-19 nặng. Không dừng lại ở đó, Lettenberger sắp lên đường để thực hiện một giấc mơ lớn, một giấc mơ không chỉ truyền cảm hứng cho nhiều người mà còn trở thành một tấm gương sáng về sự quyết tâm và lòng can đảm. Tháng 8 này, cô sẽ đến Tokyo để thi đấu cho đội tuyển bơi lội Mỹ tại Thế vận hội Paralympic - Giải thi đấu cấp cao nhất dành cho vận động viên khuyết tật.

Lettenberger đã từng vô địch trong các cuộc thi bơi lội quốc tế trước đó với một huy chương vàng và một huy chương bạc. Cô gái tài năng này mắc hội chứng cứng đa khớp bẩm sinh (arthrogryposis amyoplasia) - một chứng rối loạn cơ xương làm hạn chế chuyển động phần thân dưới. Dù việc hạn chế đi lại do đại dịch COVID -19 khiến gia đình và bạn bè không thể cổ vũ trực tiếp cho Lettenberger nhưng cô hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho những người giống mình, đặc biệt là người em trai cũng mắc hội chứng tương tự.

“Đây là giấc mơ của tôi kể từ khi bắt đầu bơi” - Lettenberger nói. “Mục tiêu của tôi đơn giản là tận hưởng trải nghiệm này đến tận cùng. Tất nhiên tôi mong giành được huy chương, nhưng nếu không được thì tôi vẫn rất biết ơn vì đã có cơ hội đại diện cho Hoa Kỳ tại giải đấu dành cho người khuyết tật lớn nhất hành tinh này”.

Tại Paralympic Tokyo 2020, Lettenberger sẽ tham gia thi đấu tại hai nội dung là 400m tự do và 200m hỗn hợp cá nhân với bốn kiểu bơi là bơi bướm, bơi ngửa, bơi ếch và bơi tự do. Giải thích về lý do tham gia thi đấu trong những nội dung bơi dài, cô cho biết: “Phần lớn điều đó liên quan đến việc tôi không sử dụng chân khi bơi. Nội dung bơi dài, như 400m tự do, phù hợp với cơ thể tôi hơn”.

Lớn lên ở vùng ngoại ô Chicago, cô gái trẻ từng chơi bóng đá và bóng mềm. Nhưng khi lớn hơn, cô thấy khó có thể cạnh tranh với những đối thủ chạy nhanh hơn mình. Đầu gối của cô không thể gập quá 90 độ, còn mắt cá chân thì không chuyển động linh hoạt được. Những người hàng xóm đã gợi ý cho Lettenberger tham gia một câu lạc bộ bơi địa phương. “Bơi lội rất đặc biệt vì tôi không cần phải đeo nẹp hay ngồi xe lăn” - Lettenberger hào hứng nói. “Sự tự do khi bơi lội khiến hồ bơi trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi”.

Năm 2013, khi 12 tuổi, Lettenberger tham gia giải bơi dành cho vận động viên khuyết tật đầu tiên trong sự nghiệp. Chỉ hai năm sau, cô giành huy chương vàng nội dung 100m bơi ngửa tại Thế vận hội Parapan American Toronto 2015. Và năm 2019, cô đoạt huy chương bạc bơi tự do 400m tại Giải Vô địch Bơi lội Thế giới dành cho Người khuyết tật tại London (World Para Swimming Championships).

Ahalya Lettenberger

Lettenberger giành huy chương bạc bơi tự do 400m tại Giải Vô địch Bơi lội Thế giới dành cho người khuyết tật tại London. Ảnh: Ahalya Lettenberger. Ảnh đầu bài - Nguồn: Daniel Koeth/GE Reports.

Trên thực tế, huy chương là phần thưởng lớn nhưng được gặp gỡ và quan sát những vận động viên tham dự Paralympic còn có ý nghĩa lớn hơn thế. Cơ hội đó đã giúp Lettenberger tìm thấy chính mình. Trước đó, cô gái trẻ luôn cố gắng chối bỏ hoặc che giấu khuyết tật của mình, đôi khi ép buộc cơ thể làm những việc không thoải mái. Tuy nhiên, sau khi có cơ hội tiếp xúc với những người như Cortney Jordan - vận động viên bơi bị bại não từng tham dự 3 kỳ thế vận hội gần đây, Lettenberger cảm thấy không cần phải che giấu gì nữa. Cô nhận ra rằng khuyết tật là điều khiến mình trở nên đặc biệt.

“Ai cũng có khác biệt và thách thức riêng” - Lettenberger nói. “Khuyết tật không đại diện cho bản thân tôi, nhưng nó là thứ giúp tôi trở thành con người của ngày hôm nay. Nếu có ai đó hỏi liệu có thể quay ngược lại thời gian và không bị tàn tật hoặc nếu có cách chữa trị thì tôi có chấp nhận không, tôi sẽ trả lời là không. Vì như thế tôi sẽ không còn là chính mình, tôi sẽ không ở vị thế hiện tại nếu không có khuyết tật này”.

Giống như Jordan là hình mẫu để cô phấn đấu, Lettenberger hy vọng có thể trở thành tấm gương truyền cảm hứng cho cậu em trai đang học cấp ba của mình. Charlie cũng mắc hội chứng giống chị gái. Điều này rất hiếm gặp vì hội chứng này không di truyền. Alex, anh trai của họ không mắc hội chứng này.

“Lớn lên cùng nhau là một điều rất đặc biệt, chúng tôi có sự đồng cảm sâu sắc, cùng trải nghiệm những điều mà không nhiều người từng nếm trải” - Lettenberger nói. “Tôi đã có thể chấp nhận khuyết tật của mình, trở nên độc lập và tiếp nhận những khác biệt của bản thân.Tôi thực sự hy vọng em trai sẽ được truyền cảm hứng khi chứng kiến tôi làm được điều đó, khi nhìn thấy những thành quả tôi đã gặt hái trong bơi lội và trong cuộc sống”.

Ahalya Lettenberger

Lettenberger và em trai Charlie. “Tôi đã có thể chấp nhận khuyết tật của mình, trở nên độc lập và tiếp nhận những khác biệt của bản thân. Tôi thực sự hy vọng em trai sẽ được truyền cảm hứng khi chứng kiến tôi làm được điều đó, khi nhìn thấy những thành quả tôi đã gặt hái trong bơi lội và trong cuộc sống”. Ảnh: Ahalya Lettenberger.

Khi không thực tập tại GE hoặc học ở trường, Lettenberger tập bơi sáu ngày một tuần, đôi khi hai lần một ngày. Về mặt chuyên môn, cô mong muốn thiết kế những thiết bị y tế như khung xương trợ lực và tay, chân giả để đóng góp cho cộng đồng nơi cô sinh sống - những người đã tạo điều kiện cho sự khác biệt về thể chất của cô. Lettenberger có thể đi bộ trên những quãng đường ngắn quanh nhà và sử dụng xe lăn khi cần đi xa hơn.

Trong kỳ thực tập mùa hè tại GE Healthcare, Lettenberger hỗ trợ bộ phận gây mê và hô hấp. Cô tham gia dự án tự động hóa quy trình hiệu chỉnh cho máy thở. Hiện nay, công đoạn hiệu chỉnh thủ công phổi giả của máy thở mất khoảng 5-15 phút. Lettenberger hy vọng có thể giảm thời gian này về còn hơn 1 phút bằng ứng dụng tự động cô đang phát triển.

“Tôi đã học được rất nhiều về quy trình kỹ thuật nói chung. Chúng tôi tham dự nhiều cuộc họp, thảo luận và đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều nhân viên GE. Tôi chưa từng biết rằng quy trình phát triển sản phẩm lại mất nhiều công sức như vậy cho đến khi tận mắt chứng kiến toàn bộ quá trình và những người liên quan. Điều đó thật tuyệt” - Lettenberger chia sẻ.

Ngay khi hoàn thành kỳ thực tập tại GE, Lettenberger sẽ sớm khởi hành đến Tokyo. Năm ngoái, khi đại dịch COVID-19 khiến bể bơi đóng cửa và trì hoãn các giải đấu, cô đã chăm chỉ luyện tập. Cô thậm chí còn buộc mình vào dây bungee để bơi trong hồ bơi 9m của một người bạn. Với tất cả nỗ lực đó, giờ đây Lettenberger đã sẵn sàng để giành huy chương.