Skip to main content
×

GE.com has been updated to serve our three go-forward companies.

Please visit these standalone sites for more information

GE Aerospace | GE Vernova | GE HealthCare 

header-image

Phát triển điện gió ở Việt Nam từ góc nhìn của nữ giới

November 01, 2021

Ở một lĩnh vực đặc thù như ngành Điện gió, môi trường làm việc có tỉ lệ nam giới chiếm đa số là điều dễ hiểu. Là một trong số ít những người phụ nữ đang làm việc trong ngành, chị Bùi Mỹ Hạnh – thành viên của nhóm Thương mại, bộ phận Điện gió GE Renewable Energy – đã có những góc nhìn và cảm nhận rất thú vị về môi trường làm việc đặc biệt này, cũng như tương lai của ngành điện gió Việt Nam.

Môi trường làm việc đặc biệt với nữ giới

Chị Hạnh gia nhập GE từ giữa năm 2016 ở vị trí hỗ trợ pháp lý cho các hợp đồng của công ty và mảng Healthcare. Trong quá trình làm việc, chị có vài dịp giúp đỡ các đồng nghiệp ở mảng điện gió nhưng đến cách đây hơn một năm, chị mới chính thức ứng tuyển vào nhóm Thương mại của bộ phận Điện gió thuộc GE Renewable Energy.

Bùi Mỹ Hạnh – thành viên của nhóm Thương mại, bộ phận Điện gió GE Renewable Energy

“Trước đây mình đã được tiếp xúc với công việc của mảng này nhưng chỉ là thoáng qua. Mình không ngờ phạm vi công việc lại rộng lớn đến thế cho đến khi bắt tay vào làm thực sự. Có quá nhiều điều mới mẻ để học và tập làm quen, nhưng mọi thứ đều thú vị!”, chị Hạnh nhớ lại khoảng thời gian đầu khi chuyển qua bộ phận Điện gió.

Hiện tại, với phương diện từ nhà cung cấp tuabin và nhiệm vụ hỗ trợ kinh doanh, chị tham gia làm việc trực tiếp và tư vấn cho khách hàng các giải pháp sản phẩm phù hợp, tính toán hiệu suất kinh tế, tính khả thi, lên phương án thực hiện, cung cấp tài liệu cần thiết để giúp khách hàng hoàn thiện phương án tổng thể cho dự án. Chị Hạnh cho biết, công việc của chị tưởng chừng chỉ liên quan đến thương mại, song vì đặc thù của lĩnh vực Điện gió nên chị cũng phải nắm được một số vấn đề kỹ thuật nhất định và làm việc chặt chẽ với các bộ phận khác để đề xuất phương án phù hợp và khả thi nhất, căn cứ điều kiện của thị trường từng thời điểm và mong muốn của khách hàng.

“Để phát triển các dự án ở Việt Nam, nhóm mình phải linh động tính toán để có một kế hoạch tối ưu chứ không hẳn là chọn loại sản phẩm có cấu hình mới nhất. Điển hình như tuabin Cypress là sản phẩm có công suất lớn nhất của GE tại thời điểm hiện tại nhưng không phải ở vị trí nào cũng có điều kiện tự nhiên phù hợp hoặc có thể lắp đặt được. Ở những vùng có sức gió không cao và mạnh hoặc có yêu cầu về thời gian thực hiện nhanh chóng, chúng ta có thể cân nhắc chọn dòng khác công suất nhỏ hơn nhưng lại phù hợp hơn về mặt sản lượng điện hay thời gian thực hiện sản xuất, lắp đặt cũng nhanh hơn. Ví dụ, GE đã và đang gấp rút thực hiện các dự án ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đan xen cả các dòng máy 5.5MW Cypress và 3XMW với tốc độ gió đầu vào tương đồng. Hay đối với một số khu vực có tốc độ gió đầu vào vừa phải, để đạt tổng công suất đăng ký thì thay vì chọn loại tuabin công suất lớn như Cypress số lượng ít, đề xuất nên cân nhắc các loại có công suất nhỏ hơn, số lương nhiều hơn” chị giải thích.

Từ một người không có nền tảng về kỹ thuật, chị Hạnh đã tiếp thu được không ít các kiến thức chuyên biệt của ngành điện gió. “Nếu không có các kiến thức đó, rất khó để mình hoàn thành được công việc một cách hiệu quả và sáng tạo, bởi mình cần có nền tảng để tự phân tích và xác định được hướng đi cho dự án trước, sau đó sẽ trao đổi chuyển sâu với các đồng nghiệp” chị chia sẻ.

GE trao cơ hội bình đẳng giới

Có một điều thú vị nhưng cũng không mấy bất ngờ, đồng nghiệp của chị Hạnh hầu hết là nam giới. Trong nhóm Thương mại của bộ phận Điện gió trên bờ GE Việt Nam, chỉ có chị Hạnh là nữ.

“Quản lý trực tiếp khối ASEAN của tôi là nữ, nhưng trong bộ phận tôi đang làm thì đồng nghiệp hoàn toàn là nam. Các bộ phận khác có nhân viên nữ nhưng tỉ lệ cũng không quá vượt trội, tôi nghĩ đây là đặc thù nhân sự của ngành kỹ thuật”, chị Hạnh nói. “Tuy nhiên, tôi chưa gặp phải rào cản gì liên quan đến giới tính. Thậm chí, khả năng ‘đàn hồi’ vốn có của phụ nữ còn giúp chúng tôi chịu được áp lực và ‘phục hồi’ cũng nhanh hơn. Những khó khăn mà tôi gặp phải thì đó là khó khăn chung trong công việc, nam hay nữ cũng phải đối diện như thế. Thậm chí ở GE, tôi còn cảm thấy nữ giới được ưu ái hơn một chút, chúng tôi được trân trọng, chăm sóc và trao quyền bình đẳng!”.

Một chi tiết chứng minh cho sự ưu ái nữ giới chính là GE không có “Men’s network” nhưng lại có “Women’s network” với nhiều hoạt động phong phú. Kế hoạch dành riêng cho nhân viên nữ được lập chi tiết cho cả năm, thông thường mỗi tháng sẽ có một sự kiện để các chị em trong tất cả các lĩnh vực có thể gặp gỡ, chia sẻ, cùng phát triển. Trong lĩnh vực Năng lượng tái tạo cũng có nhóm chat trao đổi riêng của nhân viên nữ toàn cầu để mọi người hỗ trợ nhau. Chị Hạnh và các nữ đồng nghiệp thường xuyên trao đổi với nhau những kinh nghiệm và tình huống mà mình đã trải qua để cùng học hỏi và phát triển công việc tốt hơn.

Ngoài ra, nhân viên nữ tại GE cũng nhận được những chính sách phúc lợi và đãi ngộ rất thấu đáo. “Vì thế phụ nữ chúng tôi rất yên tâm làm việc và cống hiến!”, chị Hạnh chia sẻ.

Điện gió: Năng lượng của tương lai

Khi thế giới đang tìm kiếm các giải pháp ngày một bền vững hơn, năng lượng tái tạo chắc chắn là xu thế tất yếu. Trong đó, điện gió sẽ là năng lượng của tương lai, đặc biệt là ở những quốc gia có lượng gió dồi dào, đường bờ biển trải dài như Việt Nam.

GE luôn được biết tới với những phát minh và giải pháp hiện đại, tiên tiến. Đáng chú ý, các giải pháp được thiết kế đa dạng với nhiều lựa chọn cho các địa hình và điều kiện lắp đặt khác nhau. Trên thế giới, mới đây, Haliade-X 14 MW – tuabin gió ngoài khơi lớn nhất thế giới – đã bắt đầu đi vào vận hành. Tại Việt Nam, Cypress – tuabin gió trên bờ lớn nhất Châu Á – cũng đang được lắp đặt tại các dự án ở Mũi Né (Phan Thiết), Ninh Thuận, Sóc Trăng. Cùng với nhiều dự án điện gió trải dài cả nước, các công nghệ của GE đang góp phần tạo ra khoảng 500MW vào lưới điện.

Tuabin gió của GE đang góp phần tạo ra khoảng 500MW hòa vào lưới điện quốc gia

Theo chị Hạnh, ngành điện gió Việt Nam đã trải qua một thời gian phát triển khá dài và một năm bùng nổ với các chính sách hỗ trợ ưu đãi từ Chính phủ, hiện đang có những nhịp nghỉ nhất định. 31/10 vừa qua cũng là hạn chót để các nhà đầu tư hoàn thành dự án của mình để kịp hưởng giá FIT ưu đãi của Chính Phủ theo chính sách cũ. Thời gian tới đây sẽ có những thay đổi rõ nét về cơ chế cho ngành điện gió nói chung, và điện gió trên bờ nói riêng tại Việt Nam.

Chị Hạnh chia sẻ: “Chính trị gia Winston Churchill từng nói: ‘Người bi quan nhìn thấy khó khăn trong mọi cơ hội. Người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mọi khó khăn’. Mỗi dự án điện gió cần khoảng 10 năm mới hoàn tất để đi vào vận hành, đòi hỏi tâm huyết của rất nhiều người. Trong bối cảnh mới với một số thách thức khách quan, mình và các đồng nghiệp hiện vẫn đang tiếp tục nỗ lực chuẩn bị những cách tiếp cận mới, đồng hành cũng các nhà đầu tư năng lượng tái tạo nói chung và điện gió trên bờ nói riêng để tiếp tục phục vụ triển khai các dự án phù hợp với chính sách và điều kiện của Việt Nam, đáp ứng những nhu cầu năng lượng mới và thúc đẩy sự phát triển của ngành này hơn nữa. Được làm việc trong một ngành ‘của tương lai’ chính là động lực để mình chuyển sang làm việc và vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi mảng điện gió”.

Ngọc Nga