Skip to main content
×

GE.com has been updated to serve our three go-forward companies.

Please visit these standalone sites for more information

GE Aerospace | GE Vernova | GE HealthCare 

header-image

Phần mềm điều khiển hoạt động từ xa – “bình thường mới” của các ngành công nghiệp

August 02, 2020

Pat Byrne gia nhập GE vào tháng 7/2019. Sau khi được bổ nhiệm vào vị trí CEO của GE Digital, đơn vị phát triển phần mềm chuyên thiết kế các ứng dụng cho Internet Vạn Vật công nghiệp, ông cùng đội ngũ của mình chia thị trường phần mềm công nghiệp thành bốn phân khúc chính: lưới điện, phát điện, dầu khí và sản xuất. Tiếp theo, họ tiến hành những cuộc gặp để hỗ trợ khách hàng đọc dữ liệu lấy từ máy móc, nhà máy điện, nhà xưởng và các cơ sở sản xuất khác. Cách tiếp cận này phát huy hiệu quả và đã trở thành một phần việc thường xuyên ở GE.

“Thông tin công khai minh bạch và những cuộc thảo luận rõ ràng cho phép chúng ta có được hướng đi đúng đắn cho các mảng kinh doanh, cho công ty và cho khách hàng” – Larry Culp, chủ tịch và giám đốc điều hành của GE chia sẻ trong một thư nội bộ gửi toàn công ty vào tháng 12 năm ngoái.

Hiện tại, hướng đi đó đang mang lại những lợi ích ngoài mong đợi. Phần mềm của GE Digital đã và đang giúp khách hàng duy trì hoạt động cho các nhà máy, trạm điện, thậm chí nhà máy xử lý nước vẫn hoạt động kể cả khi nhân viên làm việc ở nhà trong dịch COVID-19.

“Giai đoạn ‘bình thường mới’ càng kéo dài thì nhu cầu đối với việc kết nối các máy móc, trí tuệ nhân tạo, học máy, phân tích dữ liệu kinh doanh và các công cụ cho phép tối ưu hóa cũng như cải thiện quy trình kinh doanh sẽ ngày càng cao”, ông Byrne cho biết. “Và nếu các hệ thống này hoạt động hiệu quả, chúng sẽ nhanh chóng trở thành tiêu chuẩn ‘bình thường mới”.

Dưới đây, Pat Byrne chia sẻ với GE Reports cách mà công nghệ số đang giúp các công ty duy trì hoạt động.

Phần mềm sẽ giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn

GE Reports: Xin ông chia sẻ về cách thức mà khách hàng của ông đang thực hiện để đối phó với dịch bệnh?

Pat Byrne: Trong các cuộc thảo luận với tôi, điều đầu tiên mà họ đề cập đến luôn là sự an toàn. Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho cho nhân viên đồng thời vẫn duy trì hoạt động của doanh nghiệp, dù nhân viên làm ở nhà? Tất cả mọi người phải điều chỉnh một cách đột ngột mà hầu như không có thời gian chuẩn bị. Họ vừa phải chạy đua và giải quyết vấn đề phát sinh vừa phải thích nghi với trạng thái an toàn và nhu cầu mới. Thực tế là doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh sản xuất, nhưng nhiều công nhân không đi làm được vì vướng bận con cái hoặc đang ở vùng dịch. Đây là một tình huống rất cấp bách, đòi hỏi sự điều chỉnh tức thời.

Photo

Ảnh: Byrne (đứng giữa) tại một hội nghị công nghiệp ngay trước đại dịch COVID-19. Nguồn ảnh: GE Digital

Vậy làm thế nào để vượt qua? Hãy tận dụng những nguồn lực lao động, cơ sở, quy trình làm việc, nhu cầu thị trường có sẵn và tìm phương án điều chỉnh nhanh chóng sang cách làm việc mới. Khi mọi thứ đã ổn định hơn, điều tiếp theo cần lưu ý là việc chuyển đổi sẽ kéo dài trong bao lâu và những vấn đề còn tồn tại là gì. Sẽ có hàng loạt câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để chúng ta phục hồi bằng một nửa lúc trước? Các hướng dẫn an toàn mới sẽ là gì? Nhu cầu sản phẩm sẽ ra sao? Đối với chuỗi cung ứng thì thế nào? Sự thích ứng nhanh trong giai đoạn này là điều cực kỳ quan trọng bởi vì chúng ta sẽ không thể dễ dàng tìm thấy câu trả lời cho những câu hỏi đó.

Bằng cách nào phần mềm có thể giúp các doanh nghiệp trở nên linh hoạt hơn thưa ông?

Hiện tại, các khách hàng của chúng tôi đều cho nhân viên làm việc ở nhà. Trước đây họ đã sử dụng phần mềm của GE Digital hàng ngày cho các nhà máy sản xuất hoặc các trung tâm vận hành. Bây giờ, họ dùng chính những phần mềm đó để làm việc từ xa. Những phần mềm này được thiết kế dựa trên đám mây hoặc có thể truy cập từ xa nên khả năng chuyển việc về nhà rất dễ dàng. Mặc dù cách làm này không thể trọn vẹn như làm trực tiếp tại nhà máy, nhưng các chức năng vẫn được đảm bảo.

Ví dụ, các nhà sản xuất điện như SPR hay đơn vị hạ tầng nước sạch ở thành phố Haverhill đã giảm được số lượng nhân viên bắt buộc phải làm việc ở nhà máy xuống mức tối thiểu, giúp tăng độ an toàn.

Như thế có nghĩa là có thể điều khiển nhà máy kể cả khi ngồi ở nhà bằng các phần mềm?

Để vận hành các phần mềm này, không phải cứ đăng nhập vào máy chủ là được. Chúng được kết nối vào sâu bên trong các cỗ máy đang kiểm soát toàn bộ quy trình của nhà máy. Phần mềm có thể cho phép các doanh nghiệp nắm được ngay lập tức những gì đang diễn ra.

Ví dụ một khách hàng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trước đây phải cử các kỹ thuật viên đi đến tận trang trại gió và trung tâm vận hành để kiểm tra thì giờ đây, tất cả công việc đó đều thực hiện được từ xa và được đồng bộ hóa, bảo mật, cập nhật trong thời gian thực. Chúng tôi cũng làm điều tương tự cho các lưới điện – thứ được coi là cỗ máy lớn nhất thế giới.

Vậy trong sản xuất, phần mềm có ứng dụng như thế nào?

Tôi có thể lấy ví dụ như thế này. Có một khách hàng hiện đang lưu trữ tất cả dữ liệu sản xuất của họ trên hệ thống đám mây mà chúng tôi cung cấp. Khi có được dữ liệu về toàn bộ cung cầu trên thị trường, họ có thể nhanh chóng hiểu được ngay các vướng mắc đang nằm ở đâu, từ đó tìm ra cách tối ưu hóa chuỗi cung ứng của tất cả các nhà máy để đáp ứng nhu cầu toàn cầu.

Bên cạnh đó, khả năng cung cấp thông tin theo thời gian thực về tình trạng vận hành và quy trình kinh doanh sẽ giúp các công ty tăng khả năng phục hồi trước sự gián đoạn của đại dịch. Sự thật là các doanh nghiệp càng thích nghi nhanh với thị trường bao nhiêu thì sẽ càng có nhiều sản phẩm phù hợp để đưa ra thị trường bấy nhiêu.

Khả năng phục hồi là ưu tiên hàng đầu

Ông đã tạo ra công nghệ này trước đại dịch COVID-19. Vậy các kỹ sư của ông học được gì từ việc ứng dụng công nghệ này trong suốt đại dịch?

Khả năng phục hồi luôn là ưu tiên hàng đầu của các công ty công nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải phải tìm cách đáp ứng cơ sở vật chất cho nhân sự của các công ty khi họ làm việc từ xa. Khi các nhân viên ở nhà và cố gắng thực hiện công việc như đang ở công ty, phần mềm của chúng tôi phải tương thích và hoạt động cùng với các quy trình kinh doanh quan trọng khác để công việc đó trở nên hiệu quả hơn. Thông thường, có bốn hoặc năm phần mềm riêng biệt hoạt động cùng lúc được kết nối tới bốn hoặc năm màn hình khác nhau để hàng ngàn người có thể dõi chúng tại cùng một thời điểm. Tính tích hợp về hoạt động (operational integration) này là vô cùng quan trọng.

Làm thế nào để chắc chắn được rằng mọi thứ đang hoạt động như bình thường thưa ông?

Với GE Digital và Internet vạn vật, các doanh nghiệp có thể đặt cảm biến trên các thiết bị máy móc để đo lường chúng và theo thời gian, họ sẽ tạo được bản sao kỹ thuật số của chúng. Các bản sao này giúp phân tích, dự đoán và nâng cao độ tin cậy hoặc giảm chi phí vận hành của hệ thống. GE Digital có các trung tâm giám sát theo thời gian thực. Tại đây, chúng tôi có thể biết được hệ thống có sẵn sàng hay không tính theo từng phút, cho dù có phần nào của hệ thống đang không vận hành. Trong những năm gần đây, đội ngũ của chúng tôi đã tiết kiệm cho khách hàng hơn 1,5 tỷ USD bằng cách dự đoán các vấn đề vận hành từ xa. Bên cạnh đó, GE Digital đã và đang đầu tư vào các phân tích dự đoán để biết trước tình trạng quá tải trước khi nó xảy ra. Chúng tôi có một đội ngũ chuyên gia chuyên trách đề xuất giải pháp để đảm bảo tính sẵn sàng và hệ thống hoạt động trơn tru.

Hiện tại GE đã có những trung tâm như vậy ở những khu vực nào?

Các trung tâm như thế này có mặt trên toàn thế giới, nhờ thế chúng tôi có thể giúp khách hàng ngay lập tức vào mọi thời điểm trong ngày. Các trung tâm quản lý dịch vụ công nghiệp của chúng tôi hiện có ở Chicago, Paris, Dubai, Johannesburg, Sao Paolo, Singapore và Thượng Hải.

Vậy GE Digital đang duy trì hoạt động như thế nào?

GE Digital đang sử dụng các công cụ giống như khách hàng đang sử dụng, chỉ khác về điểm truy cập. Chúng tôi dùng các hệ thống giám sát để theo dõi xem mọi hoạt động có ổn định, hiệu quả hay không. Hầu hết được thực hiện từ xa.

Hiện tại, một ngày của ông diễn ra thế nào?

Một trong những thay đổi lớn nhất đối với tôi bây giờ là tôi không thể di chuyển bằng máy bay. Từ tháng 3 đến nay, tôi đã hủy 9 chuyến bay. Nhưng dù sao thì giờ đây tôi cũng cảm thấy mình kết nối tốt hơn với các đồng nghiệp vì dường như họ làm việc ở nhà và có mặt thường xuyên hơn.

Chúng tôi thường họp vào buổi trưa hàng ngày và xử lý công việc dựa trên các cập nhật về tình hình hoạt động và tình hình COVID-19. Điều này rất quan trọng vì trong khoảng thời gian này, chúng ta cần phải giao tiếp nhiều hơn bình thường. Tôi và các cộng sự cũng đang tìm cách giải quyết vấn đề trong trường hợp không thể họp hoặc gặp mặt trực tiếp bằng cách hướng dẫn các khách hàng, hỗ trợ triển khai từ xa. Thậm chí, nhờ cách làm “từ xa”, chúng tôi còn tăng tốc giao hàng nhanh hơn một tháng. Tôi nghĩ rằng đây là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta sẽ cần giải quyết khi tình trạng dịch bệnh còn tiếp diễn.

Đại dịch thay đổi cách thức kinh doanh của doanh nghiệp

Theo ông, đại dịch sẽ thay đổi cách thức kinh doanh của các doanh nghiệp như thế nào?

Thực ra sự thay đổi đã diễn ra rồi, theo nhiều cách khác nhau. Đến bây giờ thì chúng được tăng tốc. Giờ đây, các doanh nghiệp ưu tiên vào 3 yếu tố. Thứ nhất là quản lý rủi ro. Các doanh nghiệp cần phải đánh giá các yếu tố gây trở ngại cho hoạt động kinh doanh và tìm hiểu bằng cách nào họ có thể duy trì hoạt động kinh doanh nếu nhu cầu thị trường, nguồn cung và nguồn lao động đều bị gián đoạn.

Thứ hai là làm việc từ xa. Nếu tình trạng này kéo dài lâu hơn và nhân sự phải làm việc ở nhà, cần phải đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để chúng ta không chỉ có thể làm việc từ xa, mà còn có thể bao quát công việc từ xa?

Thứ ba là việc đẩy nhanh các giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh, sản xuất cũng như các doanh nghiệp và ứng dụng công nghiệp khác. Tất cả mọi người trên toàn thế giới hiện đang làm việc từ xa với khối lượng máy móc vô cùng lớn. Vì vậy, nếu mọi người làm việc từ xa, máy móc cũng phải có khả năng đó. Thậm chí trong tương lai, đây sẽ là cách giúp các doanh nghiệp hoạt động nhanh, an toàn và tiết kiệm hơn.

Lí do nào dẫn đến điều đó thưa ông?

Tình trạng này càng kéo dài, nhu cầu đối với việc kết nối máy móc, trí tuệ nhân tạo, học máy, phân tích kinh doanh và các công cụ khác dùng để tối ưu hóa và cải thiện các quy trình kinh doanh cũng càng tăng lên. Và các hệ thống này càng cải thiện thì càng có nhiều khả năng chúng sẽ trở thành một phần của trạng thái bình thường mới.

Vậy theo ông, “bình thường mới” sẽ như thế nào?

10 – 15 năm trước, trước khi các nền tảng kinh doanh dựa vào hoạt động lưu trữ đám mây ra đời, việc hợp tác bất kể khoảng cách đều nhờ hội nghị truyền hình và các công cụ hỗ trợ. Đến nay, chúng đã trở thành công nghệ cơ bản không thể thiếu được đối với hàng triệu người trong công việc hàng ngày. Điều tương tự cũng đang xảy ra đối với các quy trình công nghiệp.

Tôi nghĩ rằng khả năng vận hành các quy trình công nghiệp từ xa bằng phần mềm sẽ là một điều bắt buộc trong kinh doanh bởi như hiện tại, nếu doanh nghiệp không thể điều hành từ xa, công việc của họ sẽ bị ngưng lại.

Đại dịch đã và đang tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn đối với sức khỏe con người và cộng đồng và sẽ mất một thời gian để tình trạng này kết thúc. Trong lúc này, điều cần làm là giữ an toàn và phục vụ khách hàng một cách tốt nhất, đồng thời luôn đổi mới để tạo ra một tương lai tốt hơn cho chính nhân sự và khách hàng của chúng ta. Về lâu dài, chúng ta sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn.

Xin cảm ơn ông!