Skip to main content
×

GE.com has been updated to serve our three go-forward companies.

Please visit these standalone sites for more information

GE Aerospace | GE Vernova | GE HealthCare 

header-image

Những công nghệ nổi bật nhất tháng 8 không thể bỏ lỡ

August 31, 2021

Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, con người có thể di chuyển trên những chiếc ô tô biết bay, có thể nhìn vào ban đêm và khám phá bí mật của thế giới lượng tử… Cùng chúng tôi du hành tới tương lai trong chuyên mục Điểm tin những công nghệ nổi bật nhất tháng 8!

Dòng máy chụp CT mới hiệu quả hơn

Máy chụp CT đếm quang phổ photon. Ảnh: GE

Nhóm các nhà khoa học của GE và Prismatic Sensors AB đang hoàn thiện một phương pháp mang tính cách mạng để thu và phân tích tia X giúp cải thiện đáng kể hình ảnh của máy chụp cắt lớp vi tính (máy chụp CT).

Máy chụp CT sử dụng tia X-quang để tạo hình ảnh mặt cắt ngang của cơ thể, mang lại tác dụng như cho phép bác sĩ phát hiện khối u. Nhưng máy chụp CT thông thường cũng có những hạn chế, chẳng hạn như độ phân giải và liều bức xạ. Tất cả những điều này sẽ được cải thiện với máy chụp CT đếm quang phổ photon.

Phương pháp mới sử dụng các đầu dò bằng silicon phát tia X siêu nhạy và kỹ thuật “đếm quang phổ photon” giúp các bác sĩ quan sát được sâu bên trong cơ thể người với độ rõ nét hơn, đồng thời giúp bệnh nhân tiếp xúc với ít bức xạ hơn so với cách chụp CT thông thường.

Hỗn hợp bê tông từ tính có thể sạc cho xe điện đang lưu thông trên đường

Một ngày nào đó, hỗn hợp bê tông và các hạt từ tính tái chế được gọi là ferit có thể được sử dụng để xây dựng các con đường với khả năng "sạc tự động". Ảnh: Magment GmbH.

Đại học Purdue và bang Indiana đang hợp tác để tạo ra một đoạn đường cao tốc bằng bê tông từ tính đặc biệt có thể sạc điện cho các phương tiện chạy bằng điện ngay khi chúng đang lưu thông trên đường.

Các phương tiện sử dụng điện đang nhận được sự quan tâm lớn bởi chúng được coi như một cách để cắt giảm khí thải nhà kính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhưng để các phương tiện này tiếp tục hoạt động hiệu quả, việc phát triển các phương pháp sạc điện là rất cần thiết. “Khi xe điện được sử dụng rộng rãi hơn, nhu cầu về cơ sở hạ tầng giúp sạc điện một cách tiện lợi, đáng tin cậy cũng sẽ tăng lên một cách rõ ràng” - Joe McGuinness, Ủy viên Sở Giao thông Vận tải Indiana cho biết.

Được phát triển bởi công ty khởi nghiệp Magment của Đức, sản phẩm bê tông MagPad này được tạo bởi bê tông và ferrite tái chế - một loại vật liệu giống như gốm được hình thành từ oxit sắt và các kim loại khác. Các cuộn dây kim loại được tích hợp vào bê tông tạo ra một từ trường tập trung có thể truyền năng lượng đến các nguồn thu năng lượng được lắp đặt trên các phương tiện điện. Magment cho biết ngoài sử dụng để xây dựng đường cao tốc, công nghệ của họ cũng có thể được ứng dụng tốt ở các tầng trong tòa nhà công nghiệp.

Nam châm mỏng nhất thế giới

Cấu trúc lớp nguyên tử oxit kẽm đan xen với các nguyên tử coban. Ảnh: Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley.

Các chuyên gia đến từ Đại học California (Berkeley) đã tạo ra một loại nam châm siêu mỏng hoạt động ở nhiệt độ phòng. Sự ra đời của phát minh này có thể dẫn tới nhiều bước tiến lớn trong lĩnh vực vi tính và vật lý lượng tử.

Nam châm 2D hiện đại có tiềm năng trong các ứng dụng công nghệ cao như trung tâm dữ liệu và máy tính lượng tử. Tuy nhiên, chúng chỉ hoạt động ở nhiệt độ thấp - điều này sẽ hạn chế sử dụng cho mục đích thương mại. “Sản phẩm của chúng tôi không chỉ là nam châm 2D đầu tiên hoạt động ở nhiệt độ phòng hoặc cao hơn mà còn là nam châm đầu tiên đạt giới hạn 2D đích thực với độ mỏng bằng một nguyên tử” - Jie Yao, nhà khoa học của Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley chia sẻ.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng graphene ô-xít, kẽm và coban để tạo ra nam châm. Sau khi nung vài giờ, nhóm thu được một hỗn hợp với cấu trúc đặc biệt gồm một lớp kẽm oxit chỉ mỏng bằng một nguyên tử xen kẽ với các nguyên tử coban và được kẹp giữa các lớp graphene. Họ tiếp tục đốt cháy lớp graphene và thu được lớp kẽm siêu mỏng pha tạp coban. “Nam châm mỏng như nguyên tử này của chúng tôi cung cấp nền tảng tối ưu để thăm dò thế giới lượng tử. Điều này có thể tiết lộ cách vật lý lượng tử chi phối các tương tác khi ta có thể tiếp cận từng nguyên tử để kiểm tra” – Yao chia sẻ.

Màng tinh thể giúp biến kính thường thành kính nhìn ban đêm

Tiến sĩ Rocio Camacho Morale đeo kính với màng tinh thể có thể nhìn vào ban đêm. Ảnh: Jamie Kidston/The Australian National University.

Các nhà nghiên cứu Australia đã phát triển một loại màng siêu mỏng với chi phí thấp giúp phát triển một dòng thiết bị nhìn ban đêm mới.

Theo Đại học Quốc gia Úc (ANU) – Đơn vị đang trực tiếp tham gia nghiên cứu, với ưu điểm siêu nhẹ, giá thành rẻ và dễ dàng sản xuất hàng loạt, một ngày nào đó, tấm màng này có thể được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày với các hoạt động như lái xe vào ban đêm. Công nghệ này đặc biệt hữu ích với quân đội và cảnh sát – những người thường xuyên gặp các vấn đề về vai cổ do ống nhòm đêm quá nặng.

Nhóm đã tạo ra loại màng siêu mỏng này bằng bằng cách sắp xếp các tinh thể nano mỏng hơn sợi tóc gấp hàng trăm lần thành một mảng. Khi chiếu tia laser vào mảng nano này, các tinh thể sẽ biến đổi các photon (hay còn gọi là hạt ánh sáng) mang ánh sáng hồng ngoại mà con người không thể nhìn thấy được thành photon mang năng lượng cao hơn ở quang phổ mà con người có thể nhìn thấy được. Các nhà nghiên cứu hy vọng tấm màng có thể được sử dụng trong các loại kính mắt, giúp chúng ta có thể nhìn được trong ban đêm.

Ô tô bay – xu hướng của tương lai

Nguyên mẫu chiếc AirCar thực hiện thành công chuyến bay giữa hai thành phố ở Slovakia với thời gian 35 phút. Ảnh: Klein Vision.

Một công ty nghiên cứu và phát triển đã thử nghiệm thành công chiếc ô tô bay giữa hai thành phố ở Slovakia trong thời gian 35 phút.

Đây là cơ hội tuyệt vời để công ty này phát triển một lĩnh vực kinh doanh mới. “Chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ đã có khoảng 40.000 đơn đặt hàng máy bay. Và chỉ cần chuyển đổi 5% trong số đó sang ô tô bay, chúng tôi sẽ có một thị trường lớn” - Anton Zajac, nhà đồng sáng lập kiêm cố vấn tại Klein Vision - công ty phát triển AirCar cho biết khi trả lời phỏng vấn hãng BBC.

AirCar đã được một chuyên gia điện tử hàng không ví như “con cưng của Bugatti Veyron và Cessna 172” khi được trang bị động cơ BMW 160 mã lực và chỉ cần xăng thông thường để cung cấp nhiên liệu cho một cánh quạt cố định đặt phía sau ghế lái. Chiếc xe này có thể chở hai hành khách và chỉ mất hơn 2 phút để chuyển từ đường bộ sang đường hàng không. Được biết, AirCar có tốc độ tối đa đạt 190 km/h ở độ cao gần 2.500 m và phạm vi hoạt động gần 1.000 km.