Đầu tháng 11, GE công bố một “cột mốc quan trọng” trong lịch sử doanh nghiệp: Tập đoàn công nghiệp này sẽ tách thành ba công ty niêm yết độc lập với định hướng dẫn đầu trong từng lĩnh vực chuyên môn bao gồm hàng không, y tế và năng lượng.
Kế thừa sức sáng tạo từ nhà sáng lập Thomas Edison, “trong gần 130 năm qua, GE đã vận dụng cốt lõi đổi mới sáng tạo của mình để xây dựng một thế giới vận hành hiệu quả hơn, giải quyết những vấn đề thách thức nhất bằng chuyên môn công nghệ, khả năng lãnh đạo và phạm vi tiếp cận trên toàn cầu” – ông Larry Culp, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của GE chia sẻ. “Vận hành mỗi mảng kinh doanh dưới hình thức công ty độc lập sẽ cho phép chúng tôi phát huy hết tiềm năng của mình, qua đó thúc đẩy tăng trưởng và giá trị dài hạn cho tất cả các bên liên quan”.
Các kỹ sư và nhà khoa học của GE đã có sự chuẩn bị cho lần tái cơ cấu này. Tương lai sau quá trình cải tổ có thể sẽ là máy bay trang bị động cơ điện lai chạy bằng nhiên liệu hàng không bền vững, là y học chính xác được hỗ trợ bởi các công nghệ chẩn đoán và trí tuệ nhân tạo, là hệ thống lưới điện số hoá có khả năng đấu nối nhiều nguồn lên lưới đồng thời vừa tự bảo vệ vừa tự hồi phục nhanh chóng khi gặp bão.
Theo GE, kế hoạch tái cơ cấu sẽ giúp tăng tốc quá trình này. “Chúng tôi có trách nhiệm phải nhanh chóng định hình tương lai ngành hàng không, nâng cấp công nghệ y học chính xác và đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng” – ông Larry Culp CEO của GE tuyên bố.
Tương lai của Y học chính xác
GE Healthcare là hợp phần đầu tiên sẽ tách riêng vào đầu năm 2023. Mảng kinh doanh này đang kết hợp thế giới thực tế và thế giới kỹ thuật số để cải tiến khâu chẩn đoán và đưa y học chính xác trở nên phổ biến với đại đa số người bệnh. “Với bốn triệu thiết bị lắp đặt trên toàn thế giới, hỗ trợ điều trị cho hơn một tỷ bệnh nhân và thực hiện hơn hai tỷ thủ thuật mỗi năm, GE nắm giữ vị trí trung tâm trong lộ trình chăm sóc y tế cốt lõi” – ông Culp nói.
Một số giải pháp y tế của GE đã được ứng dụng để đối phó với đại dịch COVID-19 và mang lại những hiệu quả tích cực. Ví dụ, hệ thống nguồn lực y tế (Oregon Capacity System – OCS) sử dụng công nghệ AI do GE Healthcare phát triển đang cung cấp cho y bác sĩ tại Oregon (Hoa Kỳ) thông tin gần thời gian thực về số lượng giường cấp cứu và các nguồn lực y tế quan trọng khác trong bang. “Nó cho chúng tôi cái nhìn tổng thể về quá trình chăm sóc thiết yếu” – Helene Anderson, Giám đốc khu vực về năng lực và thông lượng tại Providence Health & Services cho biết. “Chúng tôi biết vị trí của các nguồn lực và cũng có thể phối hợp với những dịch vụ khác liên quan đến chăm sóc sức khỏe”.
Từ tháng 3/2020, khoảng 65 bệnh viện ở Oregon – chiếm 90% tổng số giường bệnh trong bang – đã thử nghiệm phiên bản đầu tiên của OCS để giúp tối ưu các nguồn lực thiết yếu trong vùng, bao gồm khu điều trị hồi sức tích cực, máy thở và buồng áp lực âm. Mỗi ngày, hệ thống thu thập 4,2 triệu điểm dữ liệu từ mạng lưới của các bệnh viện và mỗi 5 phút sẽ cập nhật thông tin mới về tình trạng nhập viện, di chuyển của bệnh nhân, luồng làm việc của y bác sĩ, tình hình sử dụng máy thở và yêu cầu giường bệnh.
Bang Oregon và GE vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống hơn nữa. Cuối năm nay, thông qua quan hệ đối tác chiến lược với Apprise Health Insights – công ty con chuyên về dữ liệu và phân tích của Hiệp hội Các Bệnh viện và Hệ thống Y tế Bang Oregon, một phiên bản OCS mở rộng sẽ ra mắt và cung cấp nhiều loại dữ liệu hơn: tình trạng khoa cấp cứu, tình trạng máy thở và hệ thống hỗ trợ duy trì sự sống cho các ca bệnh nặng (ECMO và CRRT).
Việc mở rộng triển khai hệ thống OCS trên toàn bang và cũng là lần đầu tiên tại nước Mỹ được tài trợ một phần từ khoản trợ cấp liên bang do Văn phòng Phụ tá Bộ trưởng đặc trách Sẵn sàng và Ứng phó cùng với Bộ Y tế, Dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ dành cho Hiệp hội bệnh viện Oregon. “Hệ thống của chúng tôi được thiết kế để có thể nâng cấp lên quy mô khu vực, quốc gia và hơn thế nữa nếu cần, nhờ vào những công cụ điều khiển thích hợp tại chỗ” – Jeff Terry, Trưởng nhóm Các Trung tâm Chỉ huy Lâm sàng tại GE Healthcare, đơn vị đã thiết kế hệ thống OCS chia sẻ.
Các hệ thống nguồn lực này chỉ là một ví dụ cho việc hệ thống kiểm soát (command center software platform) của GE đang hỗ trợ điều dưỡng viên sắp xếp công việc hàng ngày.
Đây là thương vụ mua lại thứ 3 trong mảng y tế của GE kể từ khi ông Culp trở thành Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của GE. Trước đó, GE cũng đã mua lại hai công ty khác là Zionexa và Prismatic Sensors, công ty phát triển đầu dò Deep Silicon cho máy chụp CT “đếm quang phổ photon”. Prismatic Sensors sở hữu một giải pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại sử dụng kỹ thuật “đếm quang phổ photon”. Kỹ thuật này tăng cường thêm tính năng cho các dòng máy chụp CT thông thường, bao gồm hiển thị rõ nét các chi tiết nhỏ bên trong nội tạng, cải thiện xác định đặc tính mô và cung cấp dữ liệu mật độ vật chất chính xác hơn với liều bức xạ thấp hơn. Zionexa, một công ty tư nhân Pháp – Hoa Kỳ, đang phát triển máy chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) cải tiến dùng trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư và hệ thần kinh.
Sau thương vụ này, cách thức cung cấp dịch vụ y tế cũng thay đổi đáng kể. Theo đó, ngày càng nhiều bệnh nhân được chuyển tuyến điều trị theo cấp độ ưu tiên cấp cứu thấp nhất có thể giúp nâng cao năng lực, năng suất và hiệu quả hoạt động của bệnh viện. Điều này khiến cho dữ liệu bệnh nhân vốn dĩ phân mảnh nay càng chia nhỏ hơn, đòi hỏi người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe phải chú trọng hơn vào khâu tích hợp dữ liệu y tế để đơn giản hóa và chuẩn hóa cách thức triển khai dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Nền tảng chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số Edison của GE Healthcare có thể giải quyết vấn đề này. Khả năng tổng hợp dữ liệu lâm sàng từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có các thiết bị lâm sàng, của Edison cho phép đưa ra thông tin chi tiết thông qua công nghệ phân tích và trí tuệ nhân tạo trên toàn bộ quy trình chăm sóc liên tục gồm sàng lọc, chẩn đoán, điều trị và theo dõi bệnh nhân. Ứng dụng của Edison phù hợp cho nhiều lĩnh vực từ chụp não hay dấu hiệu đột quỵ phân giải cao và ung thư, đến hỗ trợ bác sỹ đánh giá mức độ ưu tiên cho bệnh nhân hiệu quả hơn.
“Hôm nay và mai sau, việc định hình tương lai ngành y tế chính là phải tạo điều kiện cho y học chính xác phát triển: mang lại trải nghiệm chăm sóc tích hợp, hiệu quả và cá nhân hóa cao hơn” – ông Culp nói. “Để điều này trở thành hiện thực, chúng ta phải kết hợp chuyên môn lâm sàng và khoa học dữ liệu bằng cách áp dụng các kỹ thuật phân tích hiện đại và AI vào mọi điểm trong hành trình y tế của người bệnh. GE là một trong số ít công ty có đủ tầm, năng lực và mạng lưới quan hệ để làm được điều này”.
Tương lai của Năng lượng
Đầu năm 2024, GE sẽ hợp nhất GE Power, GE Renewable Energy và GE Digital. Theo ông Culp, doanh nghiệp mới “sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết nan đề khi phải lựa chọn giữa giá thành, độ tin cậy và năng lượng bền vững. Công ty này sở hữu những sản phẩm độc nhất vô nhị, bao gồm một số tuabin gió mạnh nhất thế giới và những tuabin khí hiệu quả nhất thế giới cũng như các công nghệ để hiện đại hóa và số hóa hệ thống lưới điện. Trong khi đó, quá trình chuyển đổi năng lượng là cơ hội lớn nhất để áp dụng các giải pháp số hóa đồng bộ xuyên suốt từ hệ thống lưới điện đến phát điện”.
Các giải pháp năng lượng của GE đã và đang được triển khai trên toàn thế giới. Ví dụ, Haliade-X là dòng tuabin gió ngoài khơi với thiết kế có thể nâng cấp theo nhu cầu thị trường và thực tế đã chứng minh đúng như vậy. Chỉ với một vòng quay cánh quạt, mô hình ban đầu với công suất 12MW có thể sản xuất đủ điện để cung cấp cho một gia đình tại Anh trong hai ngày. Nhưng khi thử nghiệm lại nguyên mẫu, các kỹ sư của GE Renewable Energy phát hiện ra họ có thể cải tiến tuabin để nâng công suất lên 13MW. Giờ đây, một phiên bản mạnh hơn nữa với công suất định mức 14MW đã được lựa chọn cho dự án Dogger Bank C 1,2GW – giai đoạn 3 của trang trại điện gió Dogger Bank ở biển Bắc nước Anh. Song song với đó, Haliade-X cũng được lựa chọn cho dự án Vineyard Wind – trang trại điện gió có công suất 800MW ngoài khơi bang Massachusetts, Mỹ.
GE cũng đang hỗ trợ các công ty điện lực kết nối thêm nhiều nguồn tái tạo lên lưới điện. Trong hơn một thế kỷ, hệ thống lưới điện hoạt động như đường một chiều khi dòng điện chỉ di chuyển từ nhà máy đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 20 năm đầu của thế kỷ 21, hệ thống này đã nhanh chóng trở thành một đường cao tốc tấp nập với nhiều lối ra – vào. Sự bùng nổ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo với những công nghệ như điện mặt trời mái nhà, ắc quy trữ điện và xe điện đang gia tăng tính phức tạp cho các đơn vị vận hành lưới. Theo Vera Silva, giám đốc công nghệ mảng Giải pháp lưới điện của GE Renewable Energy, các công ty điện lực phải “vận hành lưới điện như đồng hồ Thụy Sĩ”. “Khi nghĩ về quá trình chuyển đổi hướng tới không phát thải, làm thế nào chúng ta có thể thực hiện được mục tiêu tham vọng đó mà vẫn vận hành lưới điện ổn định, bất chấp những thay đổi diễn ra liên tục?” – Silva đặt ra câu hỏi.
Câu trả lời chính là đổi mới phần cứng kết hợp với sáng tạo phần mềm. Silva và các đồng nghiệp tại GE Grid Solutions đang hợp tác với GE Digital – công ty chuyên phần mềm và phân tích của GE để giải quyết thách thức này. Trong quá trình vận hành hàng ngày, lưới điện tạo ra một khối lượng dữ liệu khổng lồ với tiềm năng thu được rất nhiều thông tin chuyên sâu. Ví dụ, thông tin về sự cố mất điện trong quá khứ và dữ liệu thời tiết có thể giúp xác định những vị trí trên lưới dễ bị hư hại khi gặp bão, từ đó các công ty điện lực sẽ có sự chuẩn bị để tăng tốc sửa chữa và hạn chế tối đa thời gian lưới nghỉ. Mục tiêu lớn nhất của Silva và các đồng nghiệp là một hệ thống lưới điện tự hành: vừa có thể tự sửa chữa vừa có thể dự đoán các sự cố. “Chúng tôi hướng tới mục tiêu cung cấp các công nghệ giúp lưới điện có thể tiếp tục vận hành ổn định và bền bỉ để hoạt động tốt hơn, tiết kiệm năng lượng hơn và bền vững hơn” – Patrick Byrne, Phó Chủ tịch cấp cao của GE kiêm Giám đốc Điều hành của GE Digital nói. “Đây là một cơ hội cũng như thách thức công nghệ lớn đối với chúng tôi”.
Các tuabin khí cải tiến của GE cũng đang có những đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi năng lượng. Với những trận cháy rừng gần đây, California không còn xa lạ gì với tác động của biến đổi khí hậu. Lộ trình chuyển đổi theo hướng tăng tỷ trọng điện tái tạo tại bang này đang nhận được sự trợ giúp từ các tuabin khí di động của GE Gas Power. Được thiết kế trên cơ sở mẫu tuabin của động cơ phản lực, các tuabin này chạy bằng khí tự nhiên và có thể sản xuất điện theo yêu cầu chỉ trong vài phút. Eric Grey, Giám đốc điều hành khu vực châu Mỹ tại GE Gas Power cho biết: “Chúng tôi đang giúp bang California đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo và giảm phát thải carbon, đồng thời củng cố độ ổn định cho hệ thống cấp điện tại đây khi các nguồn năng lượng tái tạo không sản xuất đủ để đáp ứng nhu cầu điện trong bang”.
GE hiện sở hữu nhiều tổ máy tuabin khí nhất trên thế giới. Các sản phẩm của hãng hiện diện trong toàn bộ quá trình, từ nhiên liệu ít phát thải carbon như khí hydro trong giai đoạn trước khi đốt cho đến công nghệ thu giữ carbon sau khi đốt. Những công nghệ này có thể đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hưởng ứng mục tiêu đưa khí hydro xanh vào danh mục giải pháp bền vững của New York, GE sẽ hỗ trợ họ thực hiện một dự án mô phỏng để thử nghiệm tính khả thi khi vận hành bằng hỗn hợp khí thiên nhiên và hydro xanh không phát thải tại nhà máy điện Brentwood trên đảo Long Island.
Là đơn vị cung ứng tuabin cho Brentwood, GE Gas Power cũng sẽ cung cấp công nghệ trộn nhiên liệu và hỗ trợ thực hiện dự án. Các tuabin của GE đã cán mốc hơn 8 triệu giờ vận hành bằng các hỗn hợp khí hydro, một số nhà máy điện sắp đi vào hoạt động tại Ohio (Mỹ) và Australia cũng sẽ sử dụng hỗn hợp khí hydro và khí tự nhiên. Điều này khẳng định vai trò dẫn đầu của GE Gas Power trong việc sử dụng khí hydro. Tính đến cuối những năm 2020, sử dụng loại nhiên liệu xanh này có thể giúp loại bỏ hàng triệu tấn CO2 trong bầu khí quyển.
Tương lai của Hàng không
Sau khi tách riêng hai công ty trên, GE sẽ tập trung hoàn toàn vào lĩnh vực hàng không với các công nghệ tương lai như máy bay điện lai, những loại nhiên liệu thay thế cho xăng dầu như nhiên liệu hàng không bền vững 100% (SAF) và khí hydro cùng với các công nghệ số nhằm giúp cho ngành công nghiệp này hoạt động hiệu quả và bền vững hơn.
Vào tháng 10, Tổ chức Hoạt động vận tải hàng không (ATAG) tuyên bố cam kết của ngành hàng không hướng tới mục tiêu không phát thải vào năm 2050. Là thành viên của tổ chức, GE Aviation đã có những động thái chuẩn bị để có thể đạt được mục tiêu này. Trong năm 2020, họ đã đầu tư 1,8 tỷ USD vào R&D trong lĩnh vực hàng không, bao gồm phát triển vật liệu và công nghệ cao cấp mới có khả năng cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và tạo tiền đề cho những thiết kế điện lai. Tháng 6 vừa qua, CFM International – liên danh giữa GE và Safran Aircraft Engines tuyên bố khởi động Chương trình “Cuộc cách mạng sáng chế động cơ bền vững” (RISE) để thử nghiệm công nghệ tiên tiến cho các thế hệ động cơ tiếp theo với mục tiêu tạo ra những động cơ tiết kiệm 20% nhiên liệu đồng thời phát thải CO2 ít hơn 20% so với dòng động cơ hiệu quả nhất hiện nay. “Chương trình phát triển công nghệ này thể hiện cam kết chung của GE và Safran trong việc đạt được những mục tiêu đầy tham vọng cho một tương lai bền vững hơn” – Travis Harper, Giám đốc sản phẩm của GE trong Chương trình RISE nói.
Một cơ hội đầy hứa hẹn khác là nhiên liệu hàng không bền vững (SAF). Khi chuyển từ xăng dầu sang SAF, ngành hàng không có thể giảm tới 80% lượng carbon phát thải trong toàn bộ vòng đời nhiên liệu. Gurhan Andac, trưởng nhóm kỹ sư về nhiên liệu và phụ gia hàng không của GE Aviation hiểu rõ điều này. Anh và các đồng nghiệp hiện đang nghiên cứu các loại nhiên liệu sinh học và nhiên liệu tổng hợp cho động cơ máy bay. “Nhiên liệu bền vững không chỉ là một dự án nghiên cứu bên lề chúng tôi đang tiến hành. Nó chính là thực tế hiện nay. Chúng ta đang thực hiện các chuyến bay bằng những hỗn hợp SAF” – Andac chia sẻ.
GE cũng thực hiện một số dự án hợp tác để phát triển công nghệ cho một tương lai bền vững. Chia sẻ sau chuyến thăm NASA vào tháng 9 vừa qua, John Slattery – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GE Aviation cho biết: “Không phát thải trong ngành hàng không là mục tiêu lớn mà chúng tôi đang hướng tới”. Hiện nay, các kỹ sư của GE và NASA đang hợp tác nghiên cứu cách để đạt được mục tiêu này. Gần đây NASA đã tài trợ cho GE 179 triệu USD để giúp phát triển công nghệ động cơ đẩy bằng điện cho máy bay.
Ngay trước thềm hội nghị COP26, một chuyến bay đường dài từ London (Anh) đến Abu Dhabi (UAE) bằng máy bay Boeing 787 đã ghi nhận mức giảm kỷ lục 72% lượng carbon phát thải nhờ vận dụng những công nghệ hiện hành. Chuyến bay của hãng Etihad Airways sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững, áp dụng hệ thống định tuyến lộ trình bay cải tiến để tránh tạo ra vệt khói trắng và thậm chí phục vụ cho hành khách trên chuyến bay những món ăn bền vững. Không chỉ trang bị động cơ GEnx của GE Aviation và ứng dụng phần mềm Fuel Insight của GE Digital để phân tích dữ liệu rồi điều chỉnh để tiết kiệm nhiên liệu trong vòng vài phút, máy bay của Etihad Airways còn sử dụng công nghệ 360 Foam Wash tiên tiến của GE. Hệ thống làm sạch động cơ này loại bỏ bụi bẩn bám bên trong động cơ, qua đó giúp cải thiện hiệu suất và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu.
“Khi nhìn lại, chúng tôi luôn rất hãnh diện về những đóng góp để xây dựng một thế giới hoạt động hiệu quả” – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của GE Larry Culp nói. “Động lực đã xây dựng đặt chúng tôi vào một vị trí đủ sức mạnh để thực hiện bước tiến thú vị tiếp theo trong hành trình chuyển mình của GE, tạo điều kiện cho các mảng kinh doanh phát huy hết tiềm năng”.
Ảnh trong bài: CFM International, GE Healthcare, GE Renewable Energy, GE Aviation