Việt Nam có tổng công suất điện lắp đặt khoảng 55GW, trong đó có khoảng 27% được tạo ra từ các máy móc thiết bị của GE bao gồm 25 tuabin khí và 7 tuabin hơi nước tại 11 nhà máy điện và nhiều dự án điện khác trên cả nước. Các dự án này đang góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Những thành tựu này là sự nỗ lực hết mình của hơn 1.800 nhân viên GE trên khắp cả nước, trong đó, phải kể đến những nhân viên người Việt tại các nhà máy sản xuất của GE ở Việt Nam như Phú Mỹ hay Dung Quất.
Trong bài viết dưới đây, ông Thiệu Mai, Giám đốc kỹ thuật ứng dụng khách hàng của GE Việt Nam, chia sẻ về câu chuyện của những con người GE đang làm nên nên nhiều điều khác biệt.
Xưởng sửa chữa tuabin khí Phú Mỹ: “Bác sỹ” của tuabin khí
Là liên doanh giữa GE và Tổng Công ty Phát điện 3 (EVN GENCO3), Phú Mỹ là xưởng sửa chữa các bộ phận tuabin khí duy nhất tại Việt Nam. Nhà máy này do GE quản lý và vận hành với toàn bộ 80 nhân viên là người Việt, đồng thời hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương với tỷ lệ nguyên vật liệu sản xuất trực tiếp từ các nguồn cung cấp nội địa lên đến 20%. Cơ sở với giá trị đầu tư hơn 20 triệu đô này của GE đang cung cấp dịch vụ cho các nhà máy nhiệt điện quy mô lớn ở Việt Nam, bao gồm nhà máy điện Phú Mỹ, Nhơn Trạch và các nhà máy của EVN cũng như các khách hàng quốc tế khác.
Tuy nhiên, điều gì mới thực sự khiến cho Phú Mỹ trở nên đặc biệt? Theo Kỹ sư Nguyễn Đình Công- kĩ sư tại GE Phú Mỹ, mỗi kĩ sư chính là một là bác sĩ kĩ thuật. “Bệnh nhân của chúng tôi là những bộ phận thuộc các dòng tuabin khí khác nhau bị hư hỏng hoặc cần bảo dưỡng định kỳ. Công việc trị bệnh này hoàn toàn không đơn giản. Ca bệnh nhẹ thì mất khoảng 20 ngày nhưng ca nặng hơn sẽ mất 3-4 tháng để điều trị” – anh Công cho biết.
Điều giúp Phú Mỹ tạo được vị thế riêng trong ngành chính là nhờ sự đầu tư rất lớn vào nguồn nhân lực và nỗ lực để cải tiến đổi mới liên lục. Ngoài công việc chính là sửa chữa các bộ phận của tuabin, các kĩ sư cũng tích cực tìm kiếm các cơ hội mới để tăng cường năng lực sửa chữa và mở rộng danh mục sản phẩm của mình.
Cách tiếp cận hiệu quả này cho phép việc vận hành có được sự linh hoạt và tốc độ. Trong vòng 6 đến 8 tháng, thông thường, một đội ngũ với 5 kĩ sư, cùng với bộ phận sản xuất có thể hoàn thành quy trình sản xuất cho 5 đến 6 sản phẩm mới.
Nhà máy sản xuất lò hơi thu hồi nhiệt (HRSG) Dung Quất: Những con người tiếp nguồn năng lượng
Nhà máy Dung Quất là một trong hai nhà máy sản xuất thiết bị lò hơi thu hồi nhiệt của GE trên thế giới. Nhà máy này trở thành một phần của GE sau thương vụ sáp nhập Doosan Engineering & Construction – và hiện giờ có hơn 300 công nhân kỹ thuật cao và 200 nhà thầu chuyên sản xuất và cung cấp các bộ phận thiết bị lò hơi thu hồi nhiệt cho các dự án điện sử dụng tuabin khí thế hệ 9HA.02 trong khu vực ASEAN.
Hàng ngày, công việc của các kĩ sư tại GE Dung Quất đang góp phần giúp khách hàng toàn cầu gia tăng sản lượng điện đồng thời nâng cao giá trị nội địa bằng cách nâng tỷ lệ nguyên vật liệu sản xuất trực tiếp từ các nguồn cung cấp địa phương đến 50%. Hiện nay, nhà máy cam kết tăng 40% công suất và giảm 25% thời gian chu kỳ. GE Dung Quất cũng đang hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực địa phương bằng cách hợp tác với các trường đại học để triển khai các khoá đào tạo chất lượng cao.
Anh Nguyễn Hữu Khoa, Quản lý bộ phận Sản xuất tinh gọn cho biết, nhà máy Dung Quất là một nhà máy đặc biệt không chỉ bởi đó là một trong hai nhà máy sản xuất thiết bị lò hơi thu hồi nhiệt của GE trên toàn cầu, mà còn bởi những phương thức đột phá để cải thiện hiệu suất và đầu ra. “Mỗi ngày làm việc của tôi bắt đầu bằng cách dạo quanh nhà xưởng để quan sát cách mọi thứ đang vận hành, tìm xem có gì lãng phí trong quy trình hay không và từ đó, tìm ra những ý tưởng cải tiến sản xuất.”
Rất nhiều ý tưởng sáng tạo cải tiến hoạt động đã được các thành viên phụ trách sản xuất tinh gọn trao đổi và thảo luận tại Moonshine Shop, một “phòng nghiên cứu bí mật” trong nhà máy. Cho đến nay, Moonshine Shop đã khởi xướng hơn 100 ý tưởng sáng tạo, góp phần giúp cho hoạt động của nhà máy Dung Quất hiệu quả hơn, tăng 40% lợi nhuận và giảm 25% thời gian chu kỳ.
“Đối với tôi, thành tựu lớn nhất chính là những gì tôi làm đang góp phần nâng cao giá trị cho đồng nghiệp và hoạt động của nhà máy. Tôi rất tự hào khi được cùng GE đóng góp vào việc cải thiện hiệu suất cho các nhà máy điện trên toàn thế giới” – anh Khoa chia sẻ.