Skip to main content
×

GE.com has been updated to serve our three go-forward companies.

Please visit these standalone sites for more information

GE Aerospace | GE Vernova | GE HealthCare 

header-image

GE và hành trình nâng cao năng lực cho các nhà cung ứng Việt

August 31, 2021

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1993, có thể nói GE là doanh nghiệp gắn liền với quá trình mở cửa hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam. Suốt 28 năm phát triển tại thị trường này, GE luôn không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực cho nhà cung ứng Việt, là cầu nối đưa các sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

1. Chị Đồng Thị Thùy Dương đã có 5 năm làm việc tại vị trí Trưởng nhóm Phát triển cung ứng – khu vực Đông Nam Á thuộc nhà máy GE Hải Phòng. Đây là một trong 7 nhà máy tiên tiến bậc nhất hay còn gọi là Brilliant Factory của GE trên toàn cầu, chuyên sản xuất các linh kiện, máy móc thiết bị điện lắp đặt cho các hệ thống năng lượng điện gió và các hệ thống năng lượng khác. Hiện tại ở GE Hải Phòng, số nhà cung ứng nội địa chiếm gần 30%, trong đó có 44 doanh nghiệp sản xuất. Đây là một con số vô cùng ấn tượng, là thành quả miệt mài suốt 10 năm của nhóm chị Dương và đội ngũ tiền nhiệm. Con số này cũng thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ của GE trong việc xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp nặng “Made in Vietnam” ra thị trường thế giới.

Chị Đồng Thị Thùy Dương – Trưởng nhóm Phát triển cung ứng – khu vực Đông Nam Á thuộc nhà máy GE Hải Phòng (ảnh chụp trước dịch COVID-19)

Ở vị trí của mình, những năm qua, chị Dương đã có cơ hội làm việc với hàng nghìn nhà cung ứng Việt. “Tiềm năng của các doanh nghiệp Việt Nam thực sự là rất lớn. Cái họ cần là những doanh nghiệp dẫn đường, những cầu nối để có thể gia nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu và GE chính là một trong những cầu nối đó” – chị Dương cho biết.

Công việc hằng ngày của chị Dương cùng các cộng sự là phát triển kho dữ liệu về các nhà cung ứng cho GE. Khi có yêu cầu, chị và đội ngũ sẽ tìm kiếm, lựa chọn các nhà cung ứng thích hợp cho việc sản xuất của GE. Quy trình làm việc nghe qua tưởng chừng đơn giản như vậy nhưng thực tế lại khó khăn, tỉ mẩn vô cùng.

“Bước đầu tiên của công việc là lọc ra các đối tác tiềm năng từ kho dữ liệu khổng lồ đã xây dựng, sau đó, chúng tôi sẽ phải tiến hành khảo sát rất nhiều lần để chọn ra một ứng viên thích hợp. Ứng viên này sẽ tiếp tục được khảo sát toàn diện thêm một lần nữa. Việc khảo sát này là bước vô cùng quan trọng, nhà cung cấp được chọn sẽ trải qua các quy trình đánh giá về năng lực kỹ thuật, máy móc, an toàn lao động và môi trường, tôn trọng quyền con người, chi phí cạnh tranh, và cùng cam kết tuân thủ liêm chính. Sau khi các yêu cầu này đã được đảm bảo, GE sẽ tiến hành ký kết hợp đồng sản xuất thử. Trong suốt quá trình này, đội ngũ kỹ sư của GE sẽ thường xuyên giám sát cho đến khi ra sản phẩm đầu tiên”.

“Chu trình này thông thường sẽ phải mất từ 6 tháng đến 1 năm, cá biệt có thể lên tới 2 năm đối với các sản phẩm phức tạp. Và trung bình quãng thời gian để một nhà sản xuất mới làm quen được với cường độ cũng như quy trình làm việc của GE sẽ là 2-3 năm. Nhiều nhà cung cấp đã thừa nhận với tôi rằng chỉ cần đáp ứng được các yêu cầu của GE, họ hoàn toàn tự tin để đáp ứng yêu cầu của bất kỳ khách hàng nào khác” – chị Thùy Dương chia sẻ.

Yêu cầu cao, khắt khe như vậy nhưng thành quả mà các nhà cung ứng thu nhận được cũng sẽ vô cùng xứng đáng. Một khi trở thành đối tác của GE, họ sẽ có cơ hội hoàn thiện chính bản thân mình, nâng chất lượng sản phẩm và thương hiệu lên một cấp độ khác. Đặc biệt, các doanh nghiệp này sẽ trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, theo các sản phẩm của GE hòa mình ra “biển lớn”. Từ 2008 đến nay, nhà máy GE Hải Phòng mang về doanh thu xuất khẩu hơn 2 tỉ USD. Với khoảng 30% nhà cung ứng nội địa, chắc hẳn số lượng sản phẩm được làm ra bởi bàn tay người Việt chiếm một con số hoàn toàn không nhỏ.

Bên trong nhà máy GE Hải Phòng (ảnh chụp trước dịch COVID-19)

“Ở vị trí là người trực tiếp làm việc với các nhà cung ứng nội địa, tôi thực sự cảm thấy rất tự hào. Bạn thử tưởng tượng xem, một ngày nào đó linh kiện do người Việt Nam sản xuất có thể được sử dụng cho tuabin gió lớn nhất thế giới, cảm giác đó tuyệt vời biết chừng nào. Mỗi khi họp với đội ngũ GE trên toàn thế giới để đánh giá sản phẩm, chỉ cần nhìn hình ảnh cờ đỏ sao vàng Việt Nam xuất hiện, cảm giác tự hào đã lan tỏa thật sự mạnh mẽ” – Chị Dương chia sẻ.

2. Ưu tiên các nhà cung ứng Việt là một trong những hành động của chính sách “địa phương hóa nguồn lực” (localization) của GE. Việc ưu tiên này không chỉ là sử dụng các sản phẩm nội địa như ở GE Hải Phòng mà còn là các chương trình hỗ trợ mà GE đã miệt mài thực hiện nhiều năm qua.

“Trên thực tế, với những yêu cầu rất nghiêm ngặt, thậm chí khắt khe, có rất nhiều nhà cung ứng không đáp ứng được các tiêu chí mà GE đề ra. Tuy nhiên, chúng tôi không hề loại bỏ mà xếp họ vào các doanh nghiệp tiềm năng. GE sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp này bằng các trao đổi, đánh giá các khuyết điểm mà họ gặp phải, giúp họ hoàn thiện quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm, gợi ý cho họ các hướng mà họ cần thực hiện trong tương lai để có thể gia nhập vào chuỗi cung ứng. Khi đã cảm thấy mình sẵn sàng, họ chủ động liên hệ lại với GE và chúng tôi luôn luôn chào đón. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cũng rất năng động, họ chủ động liên hệ với chúng tôi, GE thấy có tiềm năng thì vẫn tiến hành trao đổi dù chưa có yêu cầu. Hiện nay, GE đang xây dựng và phân tích dữ liệu để hiểu hơn về chuỗi cung ứng của Việt Nam”- chị Dương cho biết.

Ở tầm nhìn dài hơi hơn, GE đã không ngừng nỗ lực trong việc tăng tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng thông qua việc tham gia các chương trình đào tạo nhằm giúp những đơn vị trong nước tiếp cận chuỗi cung ứng của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Một trong số đó là Chương trình thí điểm phát triển nhà cung cấp Việt Nam (SDP) – một trong những hoạt động tiêu biểu nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển được khởi động từ tháng 6/2018, nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Tổ chức Tài chính quốc tế IFC. Tại đây, GE là một trong 8 doanh nghiệp đa quốc gia tham gia với vai trò cố vấn. Hiện, chương trình đã ở cuối giai đoạn 2 và từng bước ghi nhận được nhiều kết quả tích cực.

Những hoạt động thiết thực này của GE đã không ngừng mang lại những thay đổi khả quan. Theo chị Dương, chỉ tính riêng nhà máy GE Hải Phòng, các nhà cung ứng đã có những tiến bộ vượt trội:

“Ví dụ như lĩnh vực cơ khí, trước đây rất khó để tìm được một nhà cung ứng cho các sản phẩm cơ khí đường kính trên 1m. Nhưng 5 năm gần đây đã có rất nhiều nhà thầu đáp ứng được con số này, thậm chí là 2m. Đặc biệt, có những nhà thầu có năng lực sản xuất các sản phẩm đường kính đến 4m, có thể phát triển cho nhà máy toàn cầu”

Đây là những tín hiệu vui cho thấy, các doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng cho một giai đoạn mới, có đủ năng lực để sản xuất những sản phẩm tầm cỡ, hoàn toàn có khả năng vươn ra biển lớn. Và trên con đường đó, GE luôn trao cơ hội cho các nhà cung cấp Việt, đồng hành và hỗ trợ tối đa. Tổng giám đốc GE Việt Nam Phạm Hồng Sơn cũng từng khẳng định, một trong ba thành tựu chính mà GE đạt được đó chính là đã xuất khẩu được sản phẩm công nghiệp nặng “Made in Vietnam” ra thị trường toàn cầu.

3. Nhìn vào thực tế tại GE – một trong những tập đoàn toàn cầu, có thể thấy các nhà cung ứng Việt Nam đang có một cánh cửa vô cùng rộng mở để vượt qua “vùng trũng” gia công, tiến vào chuỗi cung ứng toàn cầu hay trở thành công xưởng của thế giới. Vấn đề ở đây là liệu họ có đủ tự tin để vượt qua chính bản thân mình hay không.

“Các nhà cung ứng cho GE đã tiến một bước tiến dài sau 5 năm tôi làm ở vị trí này. Cùng với những chính sách khuyến khích của nhà nước dành cho các sản phẩm Make in Vietnam, Made in Vietnam, tôi tin rằng tương lai của các nhà cung ứng Việt Nam sẽ vô cùng rộng mở. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ phải khắc phục được những nhược điểm còn tồn tại bấy lâu nay” – chị Dương chia sẻ

Theo chị Dương, một trong những hạn chế hiện nay của các công ty Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng cho các công ty đa quốc gia là nhận thức và tư duy của lãnh đạo doanh nghiệp.

“Đừng bỏ cuộc là điều tôi thường nói với rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khi họ ngần ngại trước những yêu cầu cao của GE, thay vào đó hãy coi đây là cơ hội để mình lớn lên, vượt qua chính bản thân mình. Trước đây tôi có làm việc với một doanh nghiệp cơ khí ở Hà Nội. Mặc dù đã tiến hành đến giai đoạn ra sản phẩm thử nhưng khi GE yêu cầu sửa một lỗi về gia công thì họ muốn dừng lại, không làm nữa do sợ không đáp ứng được. Đó thực sự là một điều đáng tiếc. Chính vì vậy, nhà cung ứng phải có nỗ lực, chấp nhận thử thách thì mới có thể tiến lên phía trước”.

Bên cạnh đó, vì nhiều lý do, một số doanh nghiệp có thể khó giữ được mức độ duy trì ổn định chất lượng và nhất quán sản phẩm, đảm bảo các tiêu chí về an toàn, tinh gọn. Giá thành quá cao cũng là một rào cản không nhỏ cho các doanh nghiệp cung ứng nội địa.

“Ngoài việc phải có khát vọng vươn tầm, thay đổi tư duy và hành động, các doanh nghiệp nội địa nên để ý đầu tư hơn về con người, đặc biệt là các kỹ sư cần trau dồi thêm ngoại ngữ, năng lực…. Bên cạnh đó, cần đầu tư các chứng chỉ quốc tế để nâng tầm doanh nghiệp như chứng chỉ quản trị rủi ro cho ngành công nghiệp gió APQP4Wind, chứng chỉ CE, UL, CSA… Tôi tin rằng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các nhà cung ứng nội địa sẽ mở ra một giai đoạn mới. Và GE sẵn sàng hỗ trợ họ trên con đường vươn ra thế giới” – chị Thùy Dương chia sẻ.

Hoài Trâm