Những ngày đầu khi dịch mới bùng phát, các điều dưỡng viên tại một viện dưỡng lão của bang Florida phát hiện ra một vấn đề nghiêm trọng: cùng lúc có 10 người trong viện nhiễm COVID-19 và họ cần nhanh chóng tìm nơi ở mới cho những bệnh nhân này.
Bệnh viện Đa khoa Tampa là địa điểm được lựa chọn. Bệnh viện này đang sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để theo dõi giường bệnh và máy thở trống tại các cơ sở y tế trong khu vực để tìm giường phù hợp cho bệnh nhanah, tránh tình trạng quá tải và đảm bảo chất lượng điều trị tốt nhất có thể.
“Các nhà quản lý có thể nhanh chóng nắm được tình trạng và sức chứa của mỗi bệnh viện để đưa ra quyết định,” John Couris, Giám đốc điều hành bệnh viện Đa khoa Tampa chia sẻ.
Bệnh viện Đa khoa Tampa là một trong số các cơ sở y tế đang áp dụng phần mềm, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ kỹ thuật số khác trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Couris cho biết: “Chúng tôi đã tạo ra một hệ thống ảo để theo dõi được 51 bệnh viện một cách tổng quát, từ đó nắm được sức chứa của từng bệnh viện cho bệnh nhân COVID-19 và thiết bị đang được sử dụng thế nào cho bệnh nhân trong phòng chăm sóc tích cực hay bệnh nhân đang dùng máy thở. Điều này giúp quản lý khám chữa bệnh dễ dàng hơn”.
Trong tháng 8, Couris tham gia chia sẻ về tương lai y tế hậu đại dịch trong một hội thảo do GE Healthcare tài trợ. Tại đây, các diễn giả cùng người tham gia chia sẻ về những cơ hội và điểm yếu của ngành bộc lộ rõ do đại dịch và cách mà việc giải quyết chúng có thể giúp xác định tương lai của ngành y tế.
Trong hội thảo, vai trò ngày càng quan trọng của phần mềm, dữ liệu & phân tích và vấn đề đảm bảo chất lượng chăm sóc y tế cho các bệnh nhân COVID-19 đồng thời duy trì hoạt động bình thường của bệnh viện cũng được đưa ra thảo luận. Được biết, số lượng người đến chụp chiếu và phẫu thuật đã giảm đáng kể từ khi đại dịch bắt đầu. Điều này đã làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhiều hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Để đưa mọi thứ trở lại trạng thái bình thường, cần phải tái thiết kế và xây dựng hệ thống để lên được kế hoạch chăm sóc chọn lọc và dự phòng sao cho đảm bảo sự an toàn cho bệnh nhân, kể cả khi dịch bệnh tiếp tục lây lan. Beaman cho biết: “Trên thực tế, mọi người đều chỉ đang chờ đợi. Chúng ta cần phải nhanh chóng thích nghi, bất kể điều gì đang diễn ra. Như thế, mọi người có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ sức khỏe”.
“Chúng tôi đã tạo ra một hệ thống ảo để theo dõi được 51 bệnh viện một cách tổng quát, từ đó nắm được sức chứa của từng bệnh viện cho bệnh nhân COVID-19 và thiết bị đang được sử dụng thế nào cho bệnh nhân trong phòng chăm sóc tích cực hay bệnh nhân đang dùng máy thở. Điều này giúp quản lý khám chữa bệnh dễ dàng hơn,” John Couris, Giám đốc điều hành bệnh viện Đa khoa Tampa chia sẻ. Ảnh: Getty Images
Trong hội thảo, các diễn giả cũng thảo luận về sự thay đổi mạnh mẽ của ngành y tế thông qua sự áp dụng nhanh chóng đối với các công nghệ chăm sóc ảo và từ xa. Beaman chia sẻ, do đại dịch, số lượng bệnh nhân tham gia phòng khám ảo của Adventist Health đã tăng từ 20% lên đến 80% gần như chỉ trong một đêm. Công nghệ này giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc, đồng thời giúp bảo vệ sức khỏe của tất cả mọi người. Beaman nói: “Sắp tới, chăm sóc y tế ảo sẽ là một ưu tiên quan trọng đối với tất cả các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Vì đại dịch, chúng tôi đã đạt được những bước tiến nhảy vọt bằng 5 đến 10 năm so với trước đây trong cách tư duy và giảm thiểu chi phí dịch vụ”.
Việc thay đổi tư duy và áp dụng triệt để công nghệ mới hàng năm, hàng tháng, hàng tuần sẽ đem lại lợi ích to lớn cho các bệnh viện và bệnh nhân. Theo Beaman, tìm được cách triển khai dịch vụ y tế đúng đắn, sáng tạo, khác biệt sẽ giúp tất cả được trải nghiệm dịch vụ y tế với chi phí phù hợp hơn.