Skip to main content
×

GE.com has been updated to serve our three go-forward companies.

Please visit these standalone sites for more information

GE Aerospace | GE Vernova | GE HealthCare 

header-image

Cùng nhìn lại năm 2020: Nhân viên GE trên toàn cầu nỗ lực vượt qua thách thức từ COVID-19 (P1)

January 25, 2021

Đại dịch do virus corona gây ra không chỉ tạo nên cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe mà đã lan đến mọi ngóc ngách của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Đồng thời, biến cố này cũng đoàn kết hàng triệu người lại với nhau trong những nỗ lực nhằm vượt qua cơn đại dịch. Tại GE, các nhà máy đã hoạt động hết công suất để sản xuất máy thở và máy theo dõi cần thiết cho công tác điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19; các kỹ thuật viên đi nửa vòng nước Mỹ để chia sẻ kiến thức chuyên môn; các giám đốc kinh doanh tham gia làm tài xế cho xe cứu thương tình nguyện ở Ý và các nhà máy sản xuất máy bay ở Anh thì nhanh chóng chuyển hướng sang sản xuất thiết bị giám sát…

Dưới đây là một số câu chuyện điển hình về cách mà các nhân viên GE trên toàn thế giới chung tay chống lại đại dịch.

Bậc thầy về máy thở

Tyler Vermey được gọi là "bậc thầy về van" vì kiến ​​thức chuyên sâu của anh về các bộ phận của máy thở, giúp điều chỉnh oxy và luồng không khí vào - ra khỏi phổi bệnh nhân. Anh bắt đầu làm việc tại GE Healthcare từ năm 2016 sau khi tốt nghiệp Đại học Wisconsin-Madison. Nguồn ảnh: GE Healthcare.

Khi đang ở tại nhà riêng thuộc thành phố Salt Lake vào một ngày cuối tuần tháng 3, Tyler Vermey nhận được một cuộc gọi khẩn cấp từ người quản lý. Nằm cách Wisconsin 1.400 dặm, một nhà máy GE Healthcare đang tăng tốc để tăng sản lượng máy thở - một thiết bị không thể thiếu trong cuộc chiến chống COVID-19. Sự trợ giúp của Vermey là rất cần thiết bởi anh hiểu sâu về van thở - một bộ phận chính của máy, đến mức được gọi là bậc thầy về van. Khoảng 100 công nhân và tình nguyện viên cũng đã có mặt ở nhà máy Madison và sẽ tham gia cùng với Vermey.

Vermey cùng vợ mang theo chú chó cưng lên đường. Để đến được nhà máy, Vermey phải mất 3 ngày với 1.400 dặm đường, vượt qua một trận động đất và một trận bão tuyết. Ở nhà máy, với kinh nghiệm làm việc thường xuyên với máy X-quang cho GE Healthcare ở Utah, Vermey đã chia sẻ kỹ năng của mình cho các đồng nghiệp từ vai trò của một giáo viên hướng dẫn, chuyên gia kiểm soát chất lượng đồng thời cũng là người khắc phục sự cố. “Đây chắc chắn là một cuộc thi marathon chứ không phải chạy nước rút,” anh nói. “Vì vậy, tôi cố gắng truyền đạt kiến ​​thức một cách tốt nhất có thể.”

Người tài xế đặc biệt

Bộ đồ bảo hộ khiến cho bệnh nhân không thể nhìn thấy nụ cười của Alberto De Monte – dù vậy họ vẫn cảm nhận được tình cảm ấm áp của ông. Nguồn ảnh: GE Healthcare.

Trong nhiều thế kỷ, những chiếc xe cứu thương vào ban đêm và cuối tuần ở Ý đều do các tình nguyện viên vận hành. Alberto De Monte là một trong số các tình nguyện viên đó. Ông đã miệt mài vận hành xe cứu thương trong suốt 20 năm. Ban ngày, De Monte là giám đốc kinh doanh của GE Healthcare ở quê hương ông - Milan. Việc làm tình nguyện trong đoàn xe cứu thương với vai trò là tài xế đã mang lại cho ông một trải nghiệm khác về y tế: “Tôi được tiếp xúc với những câu chuyện về nghèo đói mà nếu không làm dịch vụ này, tôi sẽ không bao giờ mường tượng ra được” - ông chia sẻ. Tuy nhiên, những gì De Monte chứng kiến ​​trong năm 2020 - khi Ý chao đảo vì đại dịch COVID-19 - vẫn nằm ngoài sức tưởng tượng của ông.

Thương vong gia tăng, các bác sĩ và y tá tại các bệnh viện ở Milan chiến đấu hết mình để cứu càng nhiều người càng tốt và De Monte được giao nhiệm vụ đưa mọi người đến bệnh viện. Tuy nhiên, trước hết, ông cần phải bảo vệ chính mình và đồng nghiệp. “Không giống như việc bạn đi đến một vụ tai nạn xe hơi lớn với các dấu hiệu rõ ràng giúp bạn biết chính xác những gì đang xảy ra. Ở đây, bạn phải làm việc như thể mọi người đều có khả năng là bệnh nhân COVID-19. Bạn cần phải chăm sóc bản thân mình” De Monte cho biết. Khẩu trang và các đồ bảo hộ khác khiến cho những người ngồi trên xe cứu thương của De Monte không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy nụ cười trấn an của ônh – dù vậy họ vẫn có thể cảm nhận được sự ấm áp mà anh mang lại.

Hành trình kỳ diệu

Trong hơn bốn tuần, Frederic Nyeto - nhân viên dịch vụ kỹ thuật của GE Grid Solutions đã lái xe từ bang British Columbia đến bang Washington, sau đó là Atlanta và trở lại Arizona với tổng quãng đường lên đến khoảng 5.000 dặm. Nguồn ảnh: Frederic Nyeto.

Frederic Nyeto luôn mơ ước được thực hiện một chuyến du ngoạn trên khắp nước Mỹ và mùa xuân này, anh đã có cơ hội làm điều đó. Là nhân viên kỳ cựu với 5 năm làm việc trong nhóm dịch vụ Giải pháp Lưới điện của GE Renewable Energy có trụ sở bên ngoài Montreal, Nyeto thường di chuyển đến các nhà máy điện để triển khai kế hoạch sửa chữa.

Vào tháng 3, các quản lý tìm kiếm một kỹ thuật viên thực hiện nhiệm vụ bảo trì quan trọng đối với các cầu dao lớn ở một vài nơi ở Mỹ. Tuy nhiên, kỹ thuật viên phải tiến hành công việc một mình và bảo đảm thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội bởi diễn biến phức tạp của đại dịch. Nyeto đã xung phong nhận nhiệm vụ này.

Anh bay đến vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, thuê một chiếc xe và bắt đầu hành trình dài 5.000 dặm đi khắp đất nước, qua 21 tiểu bang. Sau khi vượt qua nhiều quãng đường, anh bắt đầu làm việc tại một nhà máy thủy điện ở Chelan, Washington, sau đó đến một nhà máy phát điện cần sửa chữa ở Atlanta, rồi quay trở lại Tempe, Arizona. Phần lớn thời gian Nyeto ở trên xe hơi và các khách sạn bên ngoài trung tâm thành phố với rất nhiều trái cây và rau bọc nhựa từ các cửa hàng tạp hóa địa phương khác nhau. Nyeto nói: “Chán ư? Chắc chắn không rồi! Chuyến đi này tựa như một giấc mơ vậy. Tôi được đi qua những dải đất rộng lớn của miền Tây và miền Đông nước Mỹ. Những con đường thẳng tắp tưởng như dài mãi mãi này đã cho phép tôi khám phá những khía cạnh khác của vùng nông thôn nước Mỹ. Đó là một điều kỳ diệu. Nó gần giống như một câu chuyện cổ tích vậy."

Nỗ lực tình nguyện

Vào tháng 3, Carlos Jimenez nhận ra rằng ông không thể chịu đựng được nữa khi chứng kiến ​​ảnh hưởng của dịch lên mọi khía cạnh của cuộc sống. “Tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng cho phép. Tôi muốn đi đến chiến hào và cống hiến một phần sức lực của mình," ông cho biết. Nguồn ảnh: Carlos Jimenez.

Khi cha của người bạn thân nhất của Carlos Jimenez qua đời vì COVID-19, ông quyết định làm nhiều hơn nữa để chống lại đại dịch. “Tôi muốn đi đến chiến hào và cống hiến một phần sức lực của mình” - ông nói. Chiến hào theo lời ông chính là IFEMA - khu hội chợ lớn nhất ở Tây Ban Nha đang được chuyển đổi thành một trung tâm y tế dã chiến. Tại đây, Jimenez dành thời gian của mình để làm tình nguyện. Với tư cách là giám đốc điều hành của GE Healthcare ở Tây Ban Nha, Jimenez đã nhiều lần giám sát công việc lắp đặt thiết bị y tế khác nhau và tại IFEMA, ông cũng làm nhiệm vụ tương tự nhưng với quỹ thời gian hạn hẹp hơn nhiều. Bên cạnh đó, ông cũng phải đối mặt với một số thách thức về vấn đề hậu cần.

Khi đã dần trở nên quen thuộc với IFEMA - một khuôn viên rộng gần 2,5 triệu feet vuông, Jimenez thấy rằng các thiết bị cứu sinh như máy thở được đặt rải rác khắp cơ sở khiến việc quản lý tốn nhiều thời gian. Vì vậy, ông đã áp dụng quản lý tinh gọn vào công việc hàng ngày của mình. Đây là một hệ thống cải tiến liên tục, chiếm một vị trí quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và hiện đang là trọng tâm trong quá trình chuyển đổi của GE. Jimenez cùng với các đồng nghiệp đã kiểm kê, sắp xếp lại các địa điểm và kết quả đã đến sau vài ngày. “Đó là điều tuyệt nhất mà tôi muốn được thấy. Giờ đây, không chỉ mọi thứ trở nên gọn gàng hơn mà các căng thẳng quá mức của các bác sĩ lâm sàng cũng được loại bỏ” - Jimenez nói.