Skip to main content
×

GE.com has been updated to serve our three go-forward companies.

Please visit these standalone sites for more information

GE Aerospace | GE Vernova | GE HealthCare 

header-image

Cải thiện mức độ hài lòng công việc của đội ngũ nhân viên y tế trong thời dịch

December 29, 2021

Bên cạnh việc là nơi điều trị và chăm sóc bệnh nhân, bệnh viện còn là nơi làm việc của rất nhiều người. Theo thống kê của Ibisworld[1], một bệnh viện ở Mỹ có trung bình 987 nhân viên và mỗi người trong số họ đều có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái y tế để giúp hệ thống hoạt động ổn định.

Quy mô lực lượng lao động lớn cộng với tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành y[2] đã khiến cho việc cải thiện mức độ hài lòng với công việc của các nhân viên y tế - một vấn đề mà ban lãnh đạo các bệnh viện phải chú trọng và ưu tiên – trở nên đặc biệt quan trọng. Khi đại dịch COVID-19 làm tăng tính nghiêm trọng của những căng thẳng sẵn có và nguy cơ kiệt sức ở các bác sỹ, ưu tiên này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Vậy làm thế nào để các bệnh viện cải thiện mức độ hài lòng với công việc của nhân viên trong môi trường làm việc biến đổi khôn lường, khi tình trạng quá tải người bệnh là việc thường ngày? Nói một cách đơn giản, họ buộc phải tập trung vào những yếu tố trong tầm kiểm soát của mình.

Mức lương cạnh tranh

Tăng lương từ lâu đã là một chiến lược phổ biến để giữ chân các y bác sĩ tài năng. Trong bối cảnh dịch bệnh, cách thức này còn được sử dụng nhiều hơn nữa để thu hút một số ứng viên nhất định. Theo báo cáo gần đây của McKinsey[3], tăng lương là chiến lược phổ biến nhất mà các bệnh viện áp dụng để giữ chân những nhân viên y tế chuyên môn tốt. Chiến lược này còn được sử dụng rộng rãi hơn cả những chiến thuật khác như mở rộng tuyển dụng, các khoản thưởng và phát triển chuyên môn.

Để tăng khả năng thu hút ứng viên, nhiều bệnh viện đã nâng mức lương cho nhiều vị trí, từ nhân viên làm việc theo giờ[4] cho đến bác sĩ toàn thời gian.

Thêm nhiều phúc lợi

Trước đây, khi thị trường tuyển dụng nhân viên y tế chưa có nhiều sự cạnh tranh, một số điểm nổi trội trong gói phúc lợi truyền thống có thể kể đến như bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nha khoa và chương trình tiết kiệm hưu trí. Tuy nhiên, khi các bệnh viện phải cạnh tranh gắt gao để tuyển dụng nhân tài, người lao động mong muốn có nhiều phúc lợi hơn nữa[5], ví dụ như nghỉ phép có lương, dịch vụ pháp lý, chương trình hỗ trợ nhân viên (EAP) và thậm chí cả chương trình bảo vệ sức khỏe tài chính. Những bệnh viện với mức lương cao và gói phúc lợi toàn diện sẽ thu hút hơn so với các cơ sở chỉ cung cấp quyền lợi tối thiểu.

Lập kế hoạch toàn diện cho nhân viên

Khi đại dịch liên tục gia tăng sức ép lên hệ thống y tế, việc y bác sĩ phải làm việc 60 giờ/tuần, thậm chí nhiều hơn không còn xa lạ [6]. Tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành y cộng với việc quá tải bệnh nhân đã khiến vấn đề này thêm nghiêm trọng. Để khắc phục tình trạng làm việc quá sức và tháo gỡ những lo lắng về cân bằng giữa công việc và cuộc sống của đội ngũ y tế, các cơ sở khám chữa bệnh cần sắp xếp và lập kế hoạch toàn diện cho nhân viên của mình.

Việc ký hợp đồng với các y tá du lịch (travel nurse) dù tốn kém nhưng là một chiến lược khả thi để giảm bớt gánh nặng cho những nhân viên đang phải làm việc quá sức. Tương tự, bệnh viện cũng có thể lựa chọn thuê những bác sĩ ở nơi khác để xử lý các tác vụ trực tuyến trong phòng khám, ví dụ như thăm khám từ xa cho những bệnh nhân tái khám.

Hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho nhân viên

Kể cả khi chưa có đại dịch COVID-19, nhiều lo ngại về sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế đã được đặt ra. Đại dịch còn làm gia tăng tình trạng kiệt sức và những căng thẳng đã có từ trước. Nhiều y bác sĩ lựa chọn im lặng, không chia sẻ về vấn đề sức khỏe tâm thần của mình do lo ngại bị kỳ thị và sợ sẽ bị tước giấy phép hành nghề[7].

Để đối phó với những thực tế đáng tiếc này, các bệnh viện có thể đầu tư vào hệ thống lập trình chiến lược được thiết kế để giải quyết những vấn đề sức khỏe tâm thần. Theo chia sẻ trên website Frontiers in Public Health (Những người tiền trạm trong Y tế Cộng đồng)[8], những sáng kiến này nên vượt ra khỏi khuôn khổ của các biện pháp hỗ trợ tạm thời như bữa trưa miễn phí hoặc tổ chức vinh danh “các anh hùng y tế”. Thay vào đó, các bệnh viện nên cân nhắc những giải pháp toàn diện hơn, chẳng hạn như tổ chức lớp học bồi dưỡng tinh thần, hội nghị chuyên đề về kiểm soát căng thẳng hoặc chương trình EAP để kết nối người lao động với dịch vụ hỗ trợ chuyên nghiệp.

Cơ cấu tổ chức hiệu quả

Đại dịch và nhiều tác động đi kèm có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của bệnh viện nhưng công tác lãnh đạo hiệu quả có thể tạo ra sự khác biệt lớn bất chấp những khó khăn trên. Năm 2021, CHG Healthcare đã khảo sát[9] về những mối quan tâm hàng đầu của nhân viên y tế và năng lực quản lý kém khiến 14% người tham gia khảo sát e ngại.

Như đã đề cập ở trên, đại dịch khiến y bác sĩ luôn cảm thấy căng thẳng, kiệt sức và do đó ít hài lòng với công việc hơn. Hệ quả là, tỷ lệ nghỉ việc của ngành y tiếp tục tăng.

Việc tháo gỡ những vấn đề về tổ chức và môi trường làm việc còn nhiều thách thức nhưng có thể thực hiện được. Theo gợi ý của hãng dịch vụ Wolters Kluwer[10], ngành y nên hướng tới giải quyết những nút thắt trong quy trình làm việc và tiếp nhận các mối quan tâm của người lao động một cách hệ thống thay vì riêng lẻ. Ví dụ, các cơ sở khám chữa bệnh có thể tập trung cải thiện những tác vụ công nghệ thông tin hoặc các sáng kiến về đa dạng, bình đẳng và hòa nhập (DEI).

Thiết bị và nguồn lực chất lượng cao

Cung cấp những công cụ phù hợp để nhân viên y tế làm việc hiệu quả là điều cần thiết. Ví dụ những giải pháp tự động hoá giúp tăng tốc thực hiện các thủ tục hành chính hay những công việc lặp lại khác, hoặc dưới dạng các linh kiện và tiện ích để giúp trang thiết bị y tế cao cấp vận hành trơn tru và duy trì hoạt động khám bệnh ổn định.

Trong khi các khoản đầu tư lớn chắc chắn sẽ giúp tăng mức độ hài lòng với công việc thì ngay cả những phụ kiện y tế[11] “nhỏ bé”, đời thường cũng có thể giúp y bác sĩ làm việc nhanh hơn, hiệu quả và thoải mái hơn.

Tập trung vào những điều khả thi

Có nhiều yếu tố liên quan đến mức độ hài lòng với công việc nằm ngoài tầm kiểm soát của bệnh viện. Chẳng hạn, số lượng bệnh nhân đông, tình trạng mệt mỏi kéo dài hay việc bác sĩ liên tục đối mặt với những chấn thương ám ảnh trong phòng hồi sức tích cực và cấp cứu có thể tạo ra những trở ngại đặc biệt.

Dẫu vậy, các cơ sở y tế có thể và cũng nên tận dụng mọi cơ hội trong tầm với để giảm thiểu những yếu tố này nhằm gia tăng mức độ hài lòng với công việc của nhân viên. Bằng cách xây dựng nền tảng vững chắc về quan điểm cải tiến hoạt động, bệnh viện có thể tạo ra một môi trường làm việc tích cực, nhân văn hơn cho các nhân viên của mình.