Skip to main content
×

GE.com has been updated to serve our three go-forward companies.

Please visit these standalone sites for more information

GE Aerospace | GE Vernova | GE HealthCare 

header-image

5 công nghệ nổi bật không thể bỏ lỡ trong tháng 3

March 31, 2021

Điện thoại, đồng hồ thông minh với các tính năng theo dõi sức khỏe đã vô cùng phổ biến trong thời đại ngày nay. Nhưng bạn có nghĩ đến việc quần áo thông minh cũng có thể cung cấp nhiều dữ liệu về sức khỏe và đưa ra hướng dẫn tập luyện cho bạn như các huấn luyện viên chưa? Đọc tiếp để không bỏ lỡ các công nghệ độc đáo tháng này.

Cánh quạt tuabin gió ngoài khơi dài nhất thế giới

Ảnh: LM Wind Power/GE Renewable Energy.

Bất chấp những khó khăn và thử thách, GE Renewable Energy đã thiết kế một cỗ máy có công suất 13MW với rotor có đường kính gần 220 mét. Điều này gây thêm những thách thức liên quan đến sản xuất, vận chuyển hay thậm chí là thử nghiệm các cánh quạt khổng lồ.

Tuabin gió Haliade-X là tuabin gió ngoài khơi lớn nhất thế giới hiện nay. Cánh quạt của tuabin gió này có chiều dài 107 mét, dài hơn cả một sân bóng đá và có thể là một trong những bộ phận máy lớn nhất từng được chế tạo.

Cánh quạt vừa nhận được chứng nhận bộ phận đạt tiêu chuẩn. Đây là một bước tiến quan trọng để đưa Haliade-X ra các trang trại gió tại các đại dương trên toàn thế giới.

Quần áo có thể cảm nhận chuyển động của người mặc

Quần áo được làm từ sợi thông minh hay “thiết bị cảm biến xúc giác” có thể cảm nhận được chuyển động của người mặc. Ảnh: Viện Công nghệ Massachusetts.

Các nhà nghiên cứu tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT) đã phát triển một loại quần áo được dệt các sợi cảm biến thông minh, có thể nhận biết tư thế hoặc dự đoán được chuyển động của người mặc.

Trong khi nhiều thiết bị thông minh như đồng hồ chỉ xử lý dạng dữ liệu tương đối đơn giản như: nhịp tim, nhịp thở thì loại vải thông minh này có thể làm được nhiều hơn thế nhờ sự mềm mại, co giãn và thoáng khí. Yiyue Luo – nghiên cứu sinh tại MIT và cũng là tác giả của một bài báo về dự án được đăng trên tạp chí Nature Electronics chia sẻ: “Thông thường, rất khó để phát triển một thiết bị đeo thông minh với khả năng cung cấp dữ liệu có độ chính xác cao, dựa trên nhiều cảm biến mà lại có thể sản xuất hàng loạt”. MIT cho biết thêm, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy tiềm năng của việc sử dụng loại vải này trong “huấn luyện thể thao hoặc phục hồi chức năng” và có thể tưởng tượng chúng như “một huấn luyện viên vận dụng các cảm biến để phân tích, đánh giá tư thế và động tác và đưa ra hướng dẫn” hoặc “một điều dưỡng viên theo sát vị trí của các của bệnh nhân để cảnh báo nguy cơ té ngã hoặc các tình huống nguy hiểm”

Trong các sản phẩm may mặc - từ tất đến quần áo có kích cỡ lớn như áo vest, các sợi vải này cũng có thể cảm nhận được tư thế cụ thể của một người khi đang ngồi hoặc đang di chuyển. MIT cho biết “thiết bị cảm biến xúc giác” của nhóm sử dụng hỗn hợp các loại sợi dệt phổ biến kết hợp cùng với một lượng nhỏ các loại sợi chức năng tùy chỉnh có thể cảm nhận áp lực từ người mặc. Luo cho biết thêm rằng nhóm đã “phát triển một thuật toán học sâu giám sát để phát hiện và điều chỉnh các cảm biến khi chúng không hoạt động, tạo nên cơ chế tự sửa chữa”.

Giao tiếp với thực vật

Các nhà nghiên cứu đã gắn một điện cực siêu thu nhỏ lên cây bắt ruồi, chúng hoạt động để phản ứng với các tín hiệu điện. Ảnh: NTU Singapore. 

Các nhà khoa học tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) đã phát triển một thiết bị có thể “giao tiếp” với thực vật thông qua một điện cực siêu nhỏ.

Nhóm nghiên cứu tại NTU tin rằng, việc phát triển khả năng đo tín hiệu điện của thực vật có thể tạo ra cơ hội cho một loạt các hoạt động hữu ích - chẳng hạn robot dựa trên thực vật và việc phát hiện sâu bệnh sớm. Tuy nhiên, tín hiệu điện của thực vật rất yếu và chỉ có thể phát hiện được khi điện cực tiếp xúc tốt với bề mặt thực vật. Đây cũng là một điều không hề dễ dàng vì bề mặt của chúng thường có lông, sáp hoặc không bằng phẳng.

Các nhà nghiên cứu đã lấy cảm hứng từ điện tâm đồ, thiết bị được sử dụng để đo nhịp tim của bệnh nhân thông qua các dao động điện. Nhóm sử dụng hydrogel để đính các điện cực dày 3mm lên bề mặt của cây bắt ruồi - một loài thực vật ăn thịt có thể đóng các thùy lá khi có côn trùng đậu vào. Tiếp đó, khi họ sử dụng điện thoại thông minh để truyền xung điện tới thiết bị ở một tần số cụ thể, cây đã phản ứng bằng cách đóng lá trong vòng vài giây. NTU chia sẻ, nghiên cứu này “chứng minh triển vọng trong việc thiết kế các hệ thống công nghệ dựa trên thực vật”. Đó cũng chính là điều khiến các nhà khoa học bị cuốn hút và dồn toàn lực để thực hiện nghiên cứu này.

Xây dựng hình ảnh 3 chiều trên điện thoại thông minh

Công nghệ ảnh 3 chiều trên thẻ tín dụng có thể được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như công nghệ thực tế ảo, in 3D và hình ảnh y tế. Ảnh: Getty Image

Các nhà nghiên cứu của MIT đang sử dụng công nghệ học sâu để tạo ra hình ảnh ba chiều trên máy tính xách tay và điện thoại thông minh trong thời gian thực.

Công nghệ này được gọi là "hình ảnh ba chiều tensor", có thể giúp ứng dụng công nghệ ảnh 3 chiều trên thẻ tín dụng vào nhiều lĩnh vực như công nghệ thực tế ảo, in 3D và hình ảnh y tế.

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu đã tạo ra hình ảnh ba chiều bằng các phương pháp có sẵn trên máy tính theo cơ chế thị giác con người. Sau đó, họ “đã xây dựng một cơ sở dữ liệu tùy chỉnh gồm 4.000 cặp hình ảnh do máy tính tạo ra” và sử dụng dữ liệu thu được để đào tạo mô hình học sâu nhằm cải thiện các thuật toán. Các nhà khoa học đã thu được nhiều hình ảnh ba chiều sống động trong vài mili giây. Wojciech Matusik - đồng tác giả của nghiên cứu nói: “Đó là một bước nhảy vọt đáng kể có thể thay đổi hoàn toàn thái độ của mọi người đối với ảnh ba chiều. Dường như toàn bộ chất xám của chúng tôi chỉ dành để thực hiện nghiên cứu này”.

Robot “nghe” bằng tai của châu chấu chết

Tai của châu chấu chết được gắn một con chip đặc biệt có thể giúp robot “nghe” được các tín hiệu” của nhà nghiên cứu. Ảnh: Đại học Tel Aviv.

Các nhà khoa học tại Đại học Tel Aviv (Israel) đã phát minh ra robot có khả năng “nghe” nhờ vào tai của một con châu chấu đã chết.

Nhóm nghiên cứu tin rằng những lợi thế sẵn có của hệ sinh học - các giác quan được tinh chỉnh như khứu giác, thị giác, thính giác và xúc giác - một ngày nào đó có thể được sử dụng để xây dựng các hệ thống điện tử thông minh hơn. Tiến sĩ Ben M. Maoz - người đồng giám sát một nghiên cứu mới áp dụng phương pháp này cho biết: “Thiên nhiên kỳ diệu và tiến bộ hơn chúng ta nhiều, vì vậy, hãy học hỏi chúng”.

Đầu tiên, các nhà nghiên cứu chế tạo một robot có thể phản ứng với các kích thích từ môi trường. Tiếp theo, nhóm đã phát triển thứ mà họ gọi là “tai trên chip” bằng cách gắn tai của châu chấu vào một con chip, cung cấp oxi duy trì “sự sống” và nhận các tín hiệu điện tử. Các tín hiệu này sẽ được khuếch đại và kết nối với một robot. “Kết quả thật đáng kinh ngạc: khi họ vỗ tay 1 cái, robot tiến lên; vỗ 2 cái, robot lùi lại”- các nhà khoa học chia sẻ.