Skip to main content
×

GE.com has been updated to serve our three go-forward companies.

Please visit these standalone sites for more information

GE Aerospace | GE Vernova | GE HealthCare 

header-image

28 năm GE tại Việt Nam: đồng hành và gắn kết mạnh mẽ

December 25, 2021

Ông Phạm Hồng Sơn đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc GE Việt Nam năm 2015, là thế hệ CEO thứ 3 của GE tại Việt Nam. Tiếp nối thành công của hai người tiền nhiệm, CEO Sơn Phạm đã dẫn dắt GE bước vào một giai đoạn mới, gặt hái nhiều thành quả chung cho sự phát triển của GE tại Việt Nam. Khi nhìn lại 28 năm GE có mặt tại Việt Nam, ông Sơn cho rằng GE đã thành công khi đạt được tất cả những mục tiêu ban đầu. “Đó thực sự là một chặng đường của sự đồng hành và gắn kết mạnh mẽ”- ông Sơn cho biết.

Người đồng hành bền bỉ

Năm 1993, chỉ 6 tháng sau khi tổng thống George Bush cho phép các công ty Hoa Kỳ có thể mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, GE trở thành một trong số ít công ty Hoa Kỳ đầu tiên quay trở lại. Đây là giai đoạn Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới với những bước chuyển mình mạnh mẽ, cơ hội mở ra rất nhiều nhưng cũng không ít khó khăn thách thức.

“Là một trong những doanh nghiệp tiên phong, dĩ nhiên thị trường rất rộng mở nhưng đổi lại, GE đã bước những bước đầu tiên cùng chính phủ Việt Nam trong những lĩnh vực còn xa lạ với đất nước lúc đó như hàng không, năng lượng tái tạo, điện khí…” – ông Sơn cho biết.

Đơn cử như ngành năng lượng nói chung, GE xuất hiện trong từng giai đoạn của ngành điện khí hay năng lượng tái tạo của Việt Nam, tiến bước cùng đất nước từ những bước khởi đầu đầy mới mẻ.

Năm 1995, GE bàn giao tuabin khí công suất lớn cho nhà máy điện Phú Mỹ 2, sau đó cung cấp cho nhà máy điện Phú Mỹ 4, nhà máy điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch 1. Mười năm sau, GE cung cấp hai lò tầng sôi tuần hoàn (CFB) lớn và năng lượng than sạch cho lưới điện quốc gia tại Nhiệt điện Thăng Long.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) cũng lựa chọn hai bộ tuabin hơi nước và máy phát điện có hiệu suất cao của GE cho nhà máy nhiệt điện Long Phú 1 ở Sóc Trăng với công suất 1.200 MW điện, cung cấp điện cho khoảng bốn triệu hộ dân.

Vào tháng 5/2017, GE công bố một loạt thỏa thuận hợp tác trị giá hai tỷ USD nhằm tăng sản lượng điện nội địa của Việt Nam thêm 2,3 GW, trong đó có mục tiêu phát triển các dự án điện khí tổng công suất 1.500 MW, thỏa thuận phát triển chung trang trại điện gió Phú Cường 800MW tại Sóc Trăng.

GE cũng chính là một trong những nhà cung cấp thiết bị điện gió có mặt sớm nhất, cung cấp hệ thống thiết bị, trang trại điện gió lớn nhất Việt Nam. Với những nỗ lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, GE Renewable Energy đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển trang trại điện gió đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Bạc Liêu với 62 tuabin gió có công suất trên 99MW đã hòa lưới điện quốc gia năm 2013. Tiếp đó là sự hiện diện ở các dự án điện gió Tây Nguyên, thủy điện Đa Nhim (Lâm Đồng), thủy điện Lai Châu, điện gió Phú Cường (Sóc Trăng), điện gió Mũi Né, điện gió Phương Mai 1. Cùng với nhiều dự án điện gió trải dài cả nước, các công nghệ của GE đang góp phần tạo ra khoảng 500MW vào lưới điện, trong đó phải kể đến Cypress – tuabin gió trên bờ lớn nhất thế giới – cũng đang được lắp đặt tại các dự án ở Mũi Né (Phan Thiết), Ninh Thuận, Sóc Trăng.

Tính đến nay, khoảng gần 30% công suất điện lắp đặt của cả nước được tạo ra từ các thiết bị máy móc của GE.

“Câu chuyện tương tự có thể thấy trên lĩnh vực y tế, hàng không… Hơn 50% số bệnh viện và phòng khám đang sử dụng ít nhất một thiết bị và công nghệ y tế của tập đoàn; những động cơ máy bay tiên tiến của GE chiếm hơn nửa số máy bay trong khối ASEAN và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ… Chúng tôi tự hào về sự đồng hành miệt mài và tận tụy đó, cùng Việt Nam bước qua những chặng đường dài của sự đổi mới” – ông Sơn cho biết.

Chìa khóa của thành công

Để có những thành công đầy ấn tượng đó, yếu tố nội lực là điều không thể không nhắc đến ở GE. Tập đoàn đã tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, đầy năng lượng, gắn kết và giúp nhân viên phát huy tối đa năng lực, bỏ qua mọi rào cản về tôn giáo, màu da, giới tính, quốc tịch…  Trong “bộ quy tắc ứng xử” (Code of Conduct) của GE, các yếu tố môi trường làm việc bài bản, chuyên nghiệp và những chính sách minh bạch, cùng khả năng lãnh đạo trong công ty được đặc biệt chú trọng. Văn hóa của GE khuyến khích và tạo điều kiện cho nhân viên vượt qua các giới hạn của bản thân.

Ông Phạm Hồng Sơn - Tổng giám đốc GE Việt Nam
Ông Phạm Hồng Sơn -  Tổng giám đốc GE Việt Nam 

CEO Phạm Hồng Sơn đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc GE khi chỉ mới 36 tuổi. Với số đông, 36 là độ tuổi được đánh giá là trẻ để có thể đảm nhận một vị trí quan trọng đến như vậy tại một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ở GE, miễn là phù hợp và có năng lực, cơ hội chắc chắn sẽ tìm đến. Tại thời điểm đó, ông Sơn cũng đã chia sẻ rất thẳng thắn rằng, ông là một người sinh ra, lớn lên ở vùng quê, xuất thân không có gì đặc biệt, tiến lên nhờ sự nỗ lực hết mình của bản thân. Có thể nói chính sách của GE rất rõ ràng và minh bạch: không đặt ra bất cứ rào cản nào trong bước tiến của nhân viên. Điều quan trọng là năng lực và cách nhân viên trau dồi kỹ năng của bản thân như thế nào.

“Mọi người thường biết nhiều về những thành tựu mà GE đạt được nhưng tôi tin, GE còn một thành tựu thầm lặng khác đó là tạo ra một môi trường làm việc đa dạng, cởi mở, công bằng, kết hợp hài hòa sự chuyên nghiệp và yếu tố bản địa để tạo nên sức mạnh” – Ông Sơn nhận định.

GE Việt Nam có gần 2.000 nhân viên, 100% là người Việt. Chính sách “địa phương hóa nguồn lực” (localization) của GE đã phát huy được sự thành công. Sự chuyên nghiệp của một tập đoàn quốc tế gắn kết với các yếu tố bản địa đã tạo thành bản sắc không thể trộn lẫn của GE Việt Nam. Theo ông Sơn, các cấp quản lý và nhân viên GE Việt Nam được đánh giá cao bởi tố chất vốn có của người Việt Nam – sự chăm chỉ, tận tụy trong công việc.

Nhờ yếu tố đặc biệt đó, GE đã không ngừng phát triển và tạo nên những bước tiến mới trong giai đoạn 2015 đến nay.

Thậm chí ngay cả trong đại dịch Covid-19, khi không có các chuyên gia nước ngoài hỗ trợ, các nhân sự Việt Nam vẫn tiếp tục vận hành các nhà máy hiệu quả, không gián đoạn sản xuất, thậm chí không ngừng sáng tạo đổi mới để tạo ra những thành tựu xuất sắc hơn.

Đơn cử, GE Hải Phòng – một trong 7 nhà máy Kỹ thuật số cao của GE trên toàn cầu vẫn đảm bảo sản suất thông suốt, đạt những kết quả hoạt động ấn tượng. Theo công bố của GE, đến nay nhà máy đã xuất khẩu hơn 6.000 hệ thống máy phát điện gió, tạo giá trị xuất khẩu hằng năm hơn 300 triệu USD.

“Trong mọi hoàn cảnh, tôi luôn tin rằng, yếu tố con người là vô cùng quan trọng. Sức mạnh cá nhân được tổng hợp thành sức mạnh tập thể thì có thể dẫn dắt doanh nghiệp bước tới những tầm cao mới. Ở GE Việt Nam, chúng tôi đã làm được điều này” – Ông Sơn cho biết.

Lộ trình hướng tới phát triển bền vững  

Nhìn về tương lai phía trước, ông Phạm Hồng Sơn cho rằng GE sẽ vẫn tiếp tục đồng hành cùng chính phủ Việt Nam trong những lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp: hàng không, y tế, năng lượng, năng lượng tái tạo. Nhưng trong câu chuyện của hiện tại và tương lai, mọi sự phát triển này phải gắn với sự bền vững.

Trên thực tế, bền vững là cốt lõi vận hành của GE. Tại GE Việt Nam, điều này cũng trở thành mục tiêu cho mọi hoạt động. GE có định hướng rất rõ ràng cho phát triển bền vững, bao gồm cả thay đổi danh mục đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn: không tiếp tục tham gia và cung cấp thiết bị cho nhà máy điện than mới, đẩy mạnh đầu tư công nghệ mới cho các lĩnh vực mà GE muốn thúc đẩy như năng lượng tái tạo, điện khí hay thiết bị y tế, động cơ máy bay.

Theo phân tích của Tổng giám đốc Phạm Hồng Sơn, Việt Nam là nơi nhập khẩu điện khí, nguồn thủy điện đã khai thác cạn trong khi nhu cầu năng lượng tăng trưởng 11-15% hằng năm. "Những lĩnh vực GE tham gia sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới, vì chúng ta vẫn chưa phát triển đủ để phục vụ kịp cho nhu cầu tăng trưởng" - ông Sơn nói.

Trong kế hoạch dài hạn tại Việt Nam, CEO Phạm Hồng Sơn cho biết, GE sẽ đầu tư mở rộng các hoạt động sản xuất nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, song song với việc tìm kiếm cơ hội để phát triển thị trường Việt Nam.

“Trong thời gian tới, GE sẽ tiếp tục tham gia vào Việt Nam với 2 tư cách:  Nhà đầu tư FDI và nhà cung cấp giải pháp công nghệ thiết bị cho các lĩnh vực điện, năng lượng tái tạo. Về nhà đầu tư FDI, chúng tôi có nhà máy sản xuất tuabin, máy phát điện gió cũng như các linh kiện trong tháp gió khác ở nhà máy Hải Phòng, nhà máy sản xuất lò hơi thu hồi nhiệt ở khu công nghiệp Dung Quất, xưởng dịch vụ sửa chữa tuabin khí và các linh kiện của tuabin khí tại Phú Mỹ. Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và tìm kiếm các cơ hội để sản xuất ở Việt Nam trong tương lai lâu dài.

Với tư cách là nhà cung cấp giải pháp công nghệ thiết bị cho các lĩnh vực điện, năng lượng tái tạo, hàng không và y tế: chúng tôi tiếp tục đồng hành các đối tác trong nước, đưa đến công nghệ mới nhất, thiết bị hiện đại nhất, phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của Việt Nam, đặc biệt là trong phát triển bền vững” – Ông Phạm Hồng Sơn khẳng định.