Skip to main content
header-image

Tương lai năng lượng Việt Nam: Mục tiêu lớn trong tầm tay

May 03, 2017

“Việt Nam có đủ tiềm năng và cơ hội để đạt được mục tiêu về năng lượng” là kết luận của các chuyên gia tại hội thảo “Hệ sinh thái các giải pháp năng lượng cho Việt Nam” diễn ra vào ngày 27/4.

Công nghệ tiên tiến cho cung điện tin cậy và bền vững

Đáp ứng nhu cầu điện tin cậy, bền vững và chi phí hợp lý là mục tiêu của ngành điện Việt Nam. Theo kế hoạch, vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng điện cần đạt mức 11%, điện tái tạo đạt tỷ lệ 10% đồng thời giảm 8% phát thải CO2. Tuy nhiên, độ tin cậy điện hiện chưa cao khi thời gian gián đoạn là 38h/năm và tần suất gián đoạn 13 lần/giờ.

Trong các phiên thảo luận, các chuyên gia đều cho rằng năng lượng truyền thống của Việt Nam như than, nước đang dần khan hiếm. Năng lượng tái tạo dù có tiềm năng lớn đến 5,5 GW vẫn chưa thể phát triển bởi yêu cầu đầu tư vào dự phòng cho loại điện này rất cao, đồng thời việc vận hành lưới điện khi điện tái tạo thâm nhập cũng không hề dễ dàng[1], theo ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ năng lượng tái tạo, Tổng Cục Năng lượng, Bộ Công thương.

Vì thế, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng truyền thống là vấn đề cần được ưu tiên để đảm bảo tính ổn định và bền vững của hệ thống điện. Ông Trần Hồng Kỳ, Chuyên gia năng lượng cấp cao của World Bank, cho biết thay vì chỉ tập trung vào xây dựng nhà máy mới, các nhà đầu tư cần cân nhắc việc nâng cấp hoạt động của các nhà máy.

Ông Massimo Gallizioli, Tổng giám đốc Steam Power Systems Châu Á, GE Power, chia sẻ về hiệu quả nâng cao hiệu suất và giảm phát thải nhờ các công nghệ của GE.

Trên thực tế, công nghệ tiên tiến hiện đã cho phép các nhà máy cải thiện hoạt động và giảm phát thải đáng kể. Ông Massimo Gallizioli, Tổng giám đốc Steam Power Systems Châu Á, GE Power, cho hay các công nghệ điện sạch của GE cho phép nâng hiệu suất nhà máy điện truyền thống 10%, tương ứng với mức giảm 20% phát thải CO2. Theo tính toán, với tổ hợp giải pháp bao gồm trang bị tua-bin hiện đại nhất, nâng cấp nhà máy hiện tại, triển khai các nhà máy điện than USC và cải thiện phân phối và truyền tải điện, toàn ngành có thể tiết kiệm 25 tỉ đô-la đồng thời giảm 30 triệu tấn CO2, tức đạt 48% mục tiêu Việt Nam đặt ra tại COP21.

Ông Wouter Van Wersch, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc GE ASEAN, chia sẻ về hệ sinh thái các giải pháp năng lượng của GE.

Các công nghệ này là một phần trong hệ sinh thái giải pháp năng lượng mà GE đã hoàn thiện nhằm hỗ trợ các quốc gia đạt được mục tiêu về điện. Ông Wouter Van Wersch, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc GE ASEAN, chia sẻ, hệ sinh thái này bao gồm những giải pháp tổng thể phục vụ khai thác năng lượng, vận hành nhà máy, sản xuất và truyền tải điện ở mức hiệu quả tối đa. Các giải pháp được phát triển dựa trên sự tổng hợp kinh nghiệm và chuyên môn đa dạng của GE trong nhiều lĩnh vực năng lượng. Đặc biệt, trong hệ sinh thái, GE còn đưa ra nhiều phương án tiếp cận tài chính giúp khách hàng kêu gọi được nguồn vốn tốt nhất.

Nhiều cơ hội kêu gọi đầu tư

Ông Anders Maltesen, Tổng giám đốc Power Services khu vực châu Á, GE Power, khẳng định với mạng lưới tài chính rộng lớn và đáng tin cậy, GE có thể giúp các doanh nghiệp trong ngành tiếp cận các nguồn vốn và có được nền tảng tài chính vững chắc.

“Tài chính là thành tố rất quan trọng bởi chính phủ và khối tư nhân Việt Nam đang đối mặt với những thách thức trong việc phát triển cơ sở hạ tầng. Kiến thức nội ngành và sự thấu hiểu khách hàng đã tạo nên uy tín của GE trên thị trường tài chính. Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc gọi vốn và sở hữu mạng lưới vững chắc với các tổ chức tín dụng xuất khẩu, tài chính phát triển, ngân hàng và nhà đầu tư. […] Chúng tôi cam kết sẽ hỗ trợ tối đa để giúp phát triển ngành năng lượng cho Việt Nam,” ông Wouter Van Wersch nói.

Đây có thể là lời giải đáp thiết thực cho nhu cầu đầu tư lớn trong ngành điện Việt Nam. Ước tính, vào năm 2030, Việt Nam cần 148 tỉ đô-la để phát triển điện. Trong đó, theo ông Hoàng Tiến Dũng, Viện trưởng Viện Năng lượng, EVN gặp rào cản trong huy động vốn do sự thắt chặt về tiếp cận vốn ODA và sự hạn chế về tiềm lực của các nguồn trong nước. Với khối tư nhân, quy định về giá được coi là thấp và chính sách giảm thiểu rủi ro chưa đủ thu hút đầu tư.

Theo các chuyên gia, nguồn vốn quốc tế hiện nay thực ra rất dồi dào. Vấn đề đặt ra là việc tiếp cận các nguồn vốn này không dễ dàng. Ông Anders Maltesen, Tổng giám đốc Power Services khu vực châu Á, GE Power, cho biết rằng với mạng lưới tài chính rộng lớn và đáng tin cậy, GE có thể giúp các doanh nghiệp trong ngành tiếp cận các nguồn vốn và có được nền tảng tài chính vững chắc.

Ông Leo Kirby chia sẻ về những yếu tố quyết định kêu gọi đầu tư vào ngành năng lượng thành công cho Việt Nam

Ông Leo Kirby, Giám đốc Bộ phận Dịch vụ Tài chính Năng lượng của GE Khu vực châu Á, chia sẻ thêm: “Chi phí tài chính thường chiếm 10 – 15% chi phí của toàn bộ dự án điện. Việc khách hàng phải trả 10% hay 15% phụ thuộc vào việc có tiếp cận được nguồn tài chính tốt hay không.” Ông cho hay, trong các giải pháp tài chính, GE hỗ trợ sâu vào từng đề án từ khi lên kế hoạch, đưa ra các khuyến nghị để chúng trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư. Từ đó, khách hàng có thể gọi được vốn với mức chi phí thấp nhất.

Ngoài ra, nâng cao năng lực là một phần quan trọng khác trong hệ sinh thái giải pháp. Tại hội thảo, hai chương trình phát triển kỹ sư trẻ và lãnh đạo tài năng của GE được các chuyên gia đánh giá có vai trò quan trọng trong việc phát triển nhân lực và năng lực chuyên môn cho ngành năng lượng Việt Nam.

Phát biểu trong sự kiện, ông Phương Hoàng Kim, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương nhận xét: “Chủ đề của hội thảo rất quan trọng và thiết thực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế kéo theo nhu cầu lớn về năng lượng tại Việt Nam. Những chia sẻ trong hội thảo về hệ sinh thái các giải pháp cho năng lượng cùng các kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển năng lượng bền vững rất hữu ích để Việt Nam xác định cơ hội và thách thức trong tương lai gần.”

Image

 

Buổi hội thảo thu hút gần 400 khách tham dự là chuyên gia từ các đơn vị trong ngành năng lượng ở Việt Nam và khu vực. Theo các khách hàng, “hệ sinh thái giải pháp năng lượng” là một khái niệm ý nghĩa đặc biệt bởi nó nói lên tính toàn diện của một hệ thống các giải pháp đa dạng từ công nghệ đến tài chính giúp ngành điện tháo gỡ khó khăn và đạt được các mục tiêu về cung điện và môi trường.

.

 

[1] Điện tái tạo bao gồm các nguồn điện sạch như điện mặt trời, điện gió, thủy điện.

Bạn đọc có thể xem chi tiết nội dung buổi hội thảo tại đây:

Categories